Tên đề tài: Mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam
Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
Mã số: 62.34.01.02
Họ tên NCS: Trịnh Hoàng Anh
Mã số NCS: N17707001
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TSKH Phạm Đức Chính
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Nghiên cứu mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam được thực hiện với bốn mục tiêu là (1) Đề xuất một cách tiếp cận đầy đủ hơn về môi trường kinh doanh và đề xuất thang đo điều chỉnh phù hợp với khái niệm này trong bối cảnh quốc gia có nhiều khác biệt về năng lực cạnh tranh địa phương, vùng miền như Việt Nam, (2) xác định các thuộc tính của quản trị công ty, kế thừa và phát triển thang đo quản trị công ty, (3) xác định mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh, quản trị công ty và thành quả hoạt động doanh nghiệp trong bối cảnh tại Việt Nam và (4) đề xuất các hàm ý quản trị góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo nên môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp có những chiến lược về quản trị công ty cũng như các chiến lược để nâng cao thành quả hoạt động của mình.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên nền tảng của hai lý thuyết nền về quản trị công ty, đó là lý thuyết đại diện và lý thuyết phụ thuộc nguồn lực. Nguồn dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu là dữ liệu thứ cấp, khoảng thời gian thu thập dữ liệu là mười năm, dữ liệu được thu thập từ 209 doanh nghiệp đại chúng niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Về phương pháp phân tích dữ liệu, thứ nhất, để mô tả thông tin về mẫu nghiên cứu, đánh giá đặc điểm môi trường kinh doanh và đánh giá đặc điểm quản trị công ty, nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả. Thứ hai, để kiểm định giả thuyết và mô hình nghiên cứu, cũng như việc xác định mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh, quản trị công ty và thành quả hoạt động của doanh nghiệp, nghiên cứu sử dụng phương pháp GMM.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả bốn giả thuyết nghiên cứu đều được chấp nhận. Kết quả nghiên cứu có sự tương đồng với các nghiên cứu trước và phù hợp với các lý thuyết nền tảng về quản trị công ty là lý thuyết đại diện và lý thuyết phụ thuộc nguồn lực. Điểm mới cũng như đóng góp của nghiên cứu là đã chứng minh được khía cạnh mới của môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động, cụ thể là môi trường kinh doanh giữa các đơn vị hành chính (tỉnh, thành) khác nhau trong nội bộ một quốc gia có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của các doanh nghiệp giữa các đơn vị hành chính khác nhau trong nội bộ quốc gia đó. Môi trường kinh doanh được đo lường chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam.
Dựa trên cơ sở từ kết quả nghiên cứu, các hàm ý quản trị được đề xuất cụ thể cho nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp và nhà nước. Đối với nhà nghiên cứu, cần lưu ý đến việc tiếp cận các lý thuyết nền tảng về quản trị công ty trong việc giải thích các mối quan hệ trong nghiên cứu về quản trị công ty, đặc biệt là cần xem xét môi trường kinh doanh ở bối cảnh/cấp độ địa phương trong nội bộ của một quốc gia trong nghiên cứu về quản trị công ty và thành quả hoạt động. Đối với nhà doanh nghiệp, cần tuân thủ quy chế quản trị công ty cũng như các thông lệ quản trị công ty tốt để nâng cao thành quả hoạt động. Đối với nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, thành phố cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo nên môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp thông qua việc nâng cao chỉ số PCI để thu hút đầu tư, góp phần nâng cao thành quả hoạt động doanh nghiệp, từ đó, giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế địa phương.
2. Những kết quả mới của luận án
Kết quả nghiên cứu đã chứng minh vấn đề pháp lý nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung giữa các đơn vị hành chính (tỉnh, thành) khác nhau trong nội bộ một quốc gia có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của các doanh nghiệp giữa các đơn vị hành chính khác nhau trong nội bộ quốc gia đó. Để chứng minh cho sự khác nhau về môi trường kinh doanh giữa các đơn vị hành chính, nghiên cứu này sử dụng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam. Kết quả cho thấy môi trường kinh doanh (PCI) vừa có vai trò điều tiết mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của doanh nghiệp và vừa có vai trò tác động trực tiếp đến thành quả hoạt động doanh nghiệp.
Với vai trò điều tiết, kết quả là tỉnh/thành có môi trường kinh doanh tốt hơn (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao hơn) sẽ làm cho mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động yếu hơn (khi môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ làm giảm vai trò của của quản trị công ty trong việc tác động để tăng thành quả hoạt động) và khi môi trường kinh doanh xấu hơn (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp hơn) sẽ làm cho mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động mạnh hơn (khi môi trường kinh doanh không thuận lợi sẽ làm tăng vai trò của quản trị công ty trong việc tác động để thành quả hoạt động doanh nghiệp tăng lên).
Với vai trò tác động trực tiếp, kết quả cho thấy tỉnh/thành có môi trường kinh doanh tốt hơn (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao hơn) dẫn đến thành quả hoạt động doanh nghiệp tốt hơn.
Như vậy, việc tiếp cận một cách đầy đủ hơn về vấn đề thể chế (pháp lý) nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung được xem xét riêng biệt cho từng tỉnh, thành trong nội bộ của Việt Nam là điểm rất mới trong nghiên cứu này. Mặc dù nghiên cứu này chỉ được thực hiện trong bối cảnh của Việt Nam nhưng số lượng bối cảnh để thực hiện nghiên cứu rất lớn, có sự so sánh môi trường kinh doanh giữa 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Do đó, kết quả nghiên cứu sẽ mang lại những hiểu biết quan trọng trong nghiên cứu về quản trị công ty và kiểm tra tính logic trong mô hình nghiên cứu quản trị so sánh theo yêu cầu của Haxhi & Aguilera (2017) và Fiss (2007). Đặc biệt là những hiểu biết quan trọng về sự ảnh hưởng của thể chế nói riêng, môi trường kinh doanh nói chung trong nội bộ một quốc gia, cụ thể là ảnh hưởng của môi trường kinh doanh của các đơn vị hành chính (tỉnh, thành) của một quốc gia đến mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Hay nói cách khác là mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của các doanh nghiệp sẽ khác nhau giữa các tỉnh, thành trong cùng một quốc gia.
Tóm lại, điểm mới cũng như đóng góp của luận án này là tiếp cận đầy đủ hơn về môi trường kinh doanh và xây dựng bộ thang đo điều chỉnh phù hợp với khái niệm này trong bối cảnh quốc gia có nhiều khác biệt về năng lực cạnh tranh địa phương, vùng miền như Việt Nam, cụ thể:
Đóng góp về mặt khoa học
(1) Tiếp cận một cách đầy đủ hơn về vấn đề thể chế cụ thể là nội dung của pháp lý
(2) Tiếp cận một cách đầy đủ hơn về nội dung của yếu tố môi trường kinh doanh trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của doanh nghiệp.
(3) Vấn đề pháp lý nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung được xem xét giữa các đơn vị hành chính (tỉnh, thành) khác nhau trong nội bộ một quốc gia.
(4) Củng cố thêm cho sự phù hợp của việc kết hợp lý thuyết đại diện và lý thuyết phụ thuộc nguồn lực trong nghiên cứu về mối quan hệ của quản trị công ty và thành quả hoạt động.
(5) Xác định các thuộc tính của quản trị công ty, kế thừa và phát triển thang đo quản trị công ty để vận dụng cho bối cảnh của Việt Nam trong nghiên cứu về mối quan hệ của quản trị công ty và thành quả hoạt động.
Đóng góp về mặt thực tiễn
Kết quả nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý nhà nước trong các vấn đề sau:
(1) Hướng dẫn cũng như giám sát việc xây dựng và tuân thủ quy chế quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết.
(2) Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo nên môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp để thu hút đầu tư, góp phần nâng cao thành quả hoạt động doanh nghiệp, từ đó, giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế địa phương.
Kết quả nghiên cứu giúp cho các doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của các thông lệ (quy chế) quản trị công ty tốt trong việc cải thiện thành quả hoạt động doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu giúp cho các doanh nghiệp có thể tự đánh sức mạnh tổng thể của việc quản trị công ty trong doanh nghiệp mình thông qua việc tính điểm quản trị công ty dựa trên các thuộc tính quản trị công ty.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Thứ nhất là, các nghiên cứu tiếp theo có thể chọn mẫu đa dạng hơn, không chỉ là các doanh nghiệp niêm yết mà quan tâm thêm đến các doanh nghiệp chưa hoặc không niêm yết như các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, giảm được sự chênh lệch của dữ liệu phân tích giữa các nhóm quan sát trong mẫu nghiên cứu và có sự so sánh ảnh hưởng của môi trường kinh doanh của từng tỉnh, thành phố đối với mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động doanh nghiệp ở từng nhóm doanh nghiệp. Như vậy, kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp sự hiểu biết toàn vẹn và sâu sắc hơn trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động doanh nghiệp.
Thứ hai là, có thể sử dụng mô hình nghiên cứu trong nghiên cứu này nhưng với cách tiếp cận một thuộc tính hoặc một số thuộc tính riêng lẻ của quản trị công ty để có sự đa dạng về phương pháp và kết quả trong nghiên cứu về quản trị công ty và thành quả hoạt động doanh nghiệp, cũng như việc kiểm tra vai trò của môi trường kinh doanh (của từng tỉnh, thành phố trong một quốc gia) đối với mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động doanh nghiệp khi tiếp cận quản trị công ty ở góc độ một thuộc tính hoặc một số thuộc tính riêng lẻ.
Thứ ba là, các nghiên cứu trong tương lai có thể dựa trên thái độ hay hành vi để trực tiếp đo lường các khái niệm trong mô hình nghiên cứu.
Thứ tư là, các nghiên cứu tiếp theo có thể sử dụng nhiều biến kiểm soát hơn trong nghiên cứu như kiểm soát theo ngành, số năm thành lập, số lượng lao động của một doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính, tỷ lệ chia cổ tức, vốn lưu động và tiền mặt. Từ đó, kết quả nghiên cứu sẽ thể hiện rõ hơn những lợi thế tiềm năng về quy mô, phạm vi và sức mạnh của doanh nghiệp trên thị trường.
Thứ năm là, các nghiên cứu tiếp theo có thể sử dụng thêm một số tiêu chí đo lường thành quả hoạt động ngoài ROE và tăng trưởng doanh thu như tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu, ROA. Bởi vì, việc sử dụng các thước đo về thành quả hoạt động khác nhau sẽ tạo nên cơ sở vững chắc hơn cho việc đánh giá mối quan hệ giữa quản trị công ty và thành quả hoạt động của doanh nghiệp.
Hãy là người bình luận đầu tiên