Tin tức - Sự kiện

Từ ngữ Phật giáo trong vấn đề chuyển ngữ từ Hán sang Việt - NCS. Nguyễn Thị Bích Thủy

  • 13/01/2021
  • Tên đề tài luận án: Từ ngữ Phật giáo trong vấn đề chuyển ngữ từ Hán sang  Việt
    Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
    Mã số: 9229020
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Bích Thủy
    Người hướng dẫn 1: PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lang 
    Người hướng dẫn 2: TS. Thích Nhật Từ 
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
    1. Tóm tắt luận án
    Luận án có các nội dung chính: Tổng quan lịch sử hình thành, phát triển dịch thuật kinh sách Phật từ Hán sang Việt, đặc trưng của từ ngữ Phật giáo và nghệ thuật diễn đạt, hình thức sáng tạo nhiều thể loại văn bản dịch thuật. Luận án gồm 3 chương. Chương 1, ngoài phần khái quát về bản chất, vai trò của dịch thuật và mô hình, phương thức dịch, luận án trình bày các vấn đề liên quan: Tình hình tiếp cận chữ Hán của xã hội Việt Nam; nguyên tắc sử dụng ngôn từ theo quan điểm của các nhà nghiên cứu dịch thuật, các dịch giả trong và ngoài nước. Chương 2 trình bày phân tích, khảo sát khả năng kết hợp của từ ngữ Phật giáo. Những từ ngữ này có sự thay đổi nghĩa trong quá trình dịch kinh Phật từ Phạn sang Hán, từ Hán sang Việt. Chương 3, luận án phân tích, giải thích, so sánh đặc trưng của từ ngữ Phật giáo khi dịch từ Hán sang Việt từ thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI. Từ đó, luận án góp phần nhận chân giá trị quý báu của vấn đề chuyển ngữ kinh Phật, mang tính kế thừa ngôn ngữ, có giá trị văn hóa, ý thức dân tộc trong công tác dịch thuật ở thời đại mới. 
    2. Những kết quả của luận án 
    Chuyển ngữ là quá trình sáng tạo ra dịch phẩm mới thông qua phương tiện ngôn ngữ. Luận án đã khảo cứu các vấn đề liên quan về chuyển ngữ kinh Phật từ Hán sang Việt với những kết quả sau:
    - Về lịch sử dịch thuật, việc khảo cứu “Từ ngữ Phật giáo trong vấn đề chuyển ngữ từ Hán sang Việt” dưới góc nhìn ngôn ngữ học, đã góp phần tìm hiểu lịch sử văn học dịch thuật qua các từ ngữ được bảo lưu trong các bản kinh ngữ nguồn và ngữ đích, cùng những tác động của các nhân tố xã hội làm biến đổi ngữ nghĩa của từ ngữ Phật giáo.
    - Về từ ngữ, luận án chỉ ra những điểm cơ bản về hiện tượng dùng từ ngữ Phật giáo, các phương thức chuyển ngữ kinh trong từng giai đoạn của các bản kinh tiếng Hán và các bản kinh tiếng Việt. Kết quả cho thấy trải qua nhiều thời kỳ chuyển ngữ, hiện tượng “đồng kinh dị dịch” rất nhiều, dẫn đến tình trạng từ “cũ” và từ “mới” đồng thời xuất hiện trong tam tạng kinh điển. 
    - Về phong cách dịch, luận án cũng nêu rõ những đặc trưng của từ trong phong cách bút dịch và khẩu dịch. Thêm nữa, phong cách hành văn của các dịch giả trong mỗi thời kỳ đều mang dấu ấn riêng, có dịch giả chủ trương “ý dịch”; có dịch giả  thuần “trực dịch”. Mỗi phương thức dịch đều có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn về ngôn từ. Vì vậy, việc chọn lọc từ ngữ, sử dụng các phương thức chuyển ngữ phù hợp (văn bản học thuật và văn bản nghi lễ) là điều cần thiết. 
    Do đó, người dịch nên tùy văn bản nguồn mà chọn phương thức trung hòa giữa “trực dịch” và “ý dịch” để có thể đảm bảo tính trung thực trong nguyên tác, đồng thời không tách rời ý nghĩa văn hóa trong bản dịch.
    3. Giá trị khoa học và ứng dụng trong thực tiễn 
    Từ những kết luận khoa học đã nêu, chúng tôi nghĩ rằng luận án “Từ ngữ Phật giáo trong vấn đề chuyển ngữ từ Hán sang Việt” là:
    (1) Một cứ liệu cần thiết có giá trị về lịch sử dịch thuật kinh Phật trong và ngoài nước.
    (2) Tài liệu tham khảo khi giảng dạy về dịch thuật kinh Phật từ Hán sang Việt trong hệ thống chuyên ngành về loại hình văn bản Hán Việt phù hợp trong giới Phật học và ngoài giới.
     

    Tệp đính kèm: