Hội nghị - Hội thảo

Duy tân Minh Trị và kinh nghiệm đổi mới cho Việt Nam

  • 08/03/2019
  • Chiều 8/3, tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Minh Trị Duy tân và Đổi mới của Việt Nam” nhằm đánh giá lại ý nghĩa của cải cách Minh Trị, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong công cuộc đổi mới.

    Các học giả tham dự hội thảo. Ảnh: YÊN NHIÊN

    Tại hội thảo, nhiều đề tài xoay quanh vấn đề đổi mới đất nước đã được những học giả Nhật Bản và Việt Nam trình bày với nhiều quan điểm, góc nhìn mới. Tiêu biểu: Minh Trị Duy tân và chính sách nguồn nhân lực; Phan Bội Châu và Yoshida Shoin; Đường sắt và công nghiệp hóa Nhật Bản - Đối chiếu với Việt Nam; Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp Minh Trị Duy tân - Bài học cho Việt Nam...

    PGS.TS Nguyễn Tiến Lực - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Trường ĐH KHXH&NV, cho biết: “Có thể nói công cuộc duy tân, đổi mới là một sự nghiệp lâu dài, phải tiến hành liên tục, xuyên suốt. Nếu mục tiêu của Minh Trị Duy tân là ‘phú quốc cường bin’, thì mục tiêu của nước ta là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Dù ở hai thời đại khác nhau nhưng đích đến là giống nhau. Vì vậy, chúng tôi tổ chức buổi hội thảo này nhằm tiếp tục đánh giá ý nghĩa của Minh Trị duy tân, những thành quả đổi mới của Việt Nam, tìm những nét tương đồng và khác biệt giữa hai sự kiện lịch sử vĩ đại đó. Đặc biệt là rút ra bài học kinh nghiệm gì của Duy tân cho công cuộc đổi mới của Việt Nam”.

    Sinh viên Lê Trần Duy Long - Khoa Nhật Bản học chia sẻ: “Chương trình hội thảo rất bổ ích vì đã cung cấp cho tôi nhiều kiến thức hay liên quan đến Duy tân Minh Trị và sự đổi mới của Việt Nam sau năm 1986. Tôi đặc biệt ấn tượng với đề tài ‘Đường sắt và công nghiệp hóa Nhật Bản - Đối chiếu với Việt Nam’. Quả thật nếu đường sắt được chú trọng thì kinh tế cũng sẽ phát triển một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn”.

    Sáng 9/3, hội thảo tiếp tục thảo luận về các vấn đề Duy tân Minh Trị và đổi mới của Việt Nam. Theo đó, các học giả, nhà khoa học chia thành hai tiểu ban gồm Lịch sử - Chính trị - Quan hệ ngoại giao và Giáo dục - Tư tưởng - Văn hóa để trình bày đề tài nghiên cứu và trao đổi, phản biện.

    PHAN ANH tổng hợp

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên