Đó là chủ đề của Hội nghị thường niên 1M4V năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, ĐHQG-HCM và ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội vào ngày 14/11.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Châu Văn Minh, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Phan Chí Hiếu và GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội đồng chủ trì hội thảo.
Tại hội nghị, PGS.TS Lê Văn Thăng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, đã đại diện ĐHQG-HCM trình bày tham luận “Đề xuất cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó có quan tâm đến tính rủi ro, độ trễ theo thông lệ quốc tế”. Theo đó, PGS.TS Lê Văn Thăng đã đề xuất 5 giải pháp quan trọng nhằm xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù về khoa học và công nghệ (KH&CN).
Các chính sách này gồm: (1) Tạo cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật KH&CN nhằm làm rõ vai trò của Đại học Quốc gia, Đại học Vùng và Viện Hàn Lâm; Trao quyền tự chủ lớn hơn cho các tổ chức KH&CN quan trọng; Xem xét áp dụng cơ chế đặc thù cho ĐHQG HCM theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
(2) Thực hiện cơ chế vượt trội nhằm thu hút và giữ chân nhân tài theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. (3) Thử nghiệm cơ chế phân bổ nguồn lực KH&CN trên cơ sở hiệu suất nghiên cứu, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn đã được xác định rõ trong các chiến lược quốc gia; (4) Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và (5) Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh về KH&CN.
Năm nay, đoàn đại biểu của ĐHQG-HCM còn đóng góp nhiều tham luận sâu sắc, có tính thực tiễn cao cho Hội nghị như Sửa đổi luật khoa học công nghệ để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và thu hút nhân lực, nhân tài tại các tổ chức khoa học công nghệ công lập (Trường ĐH Kinh tế - Luật); Cơ chế, chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, địa phương, doanh nghiệp (Trường ĐH Bách khoa); Cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ hoạt động nghiên cứu sang phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo (Ban KH&CN).
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ông Đạt cho biết, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG-HCM và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tích cực hoàn thiện các cơ chế, chính sách KH&CN và đổi mới sáng tạo theo những định hướng trọng tâm.
Hãy là người bình luận đầu tiên