Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng chính trị - pháp lý của Jean – Jacques Rousseau trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội - NCS. Nguyễn Trung Hiểu

  • 29/03/2024
  • Tên đề tài: Tư tưởng chính trị - pháp lý của Jean – Jacques Rousseau trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội
    Chuyên ngành: Triết học
    Mã số: 9229001
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Trung Hiểu
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Nguyễn Xuân Tế - TS.Nguyễn Anh Thường
    Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
    Trên cơ sở kế thừa và phát triển học thuyết “khế ước xã hội”, J.J.Rousseau đã xây dựng một hệ thống lý luận tập trung ở các vấn đề về mối quan hệ giữa quyền công dân, luật pháp và quyền lực nhà nước, thống nhất giữa nghĩa vụ chính trị và tự do công dân. Được thể hiện tập trung nhất trong tác phẩm nổi tiếng “Bàn về khế ước xã hội” (Du contrat social), tư tưởng chính trị - pháp lý của J.J.Rousseau khẳng định một trật tự chính trị hợp pháp là nơi tất cả mọi công dân đều tự do, được bình đẳng về mặt pháp lý, không tồn tại sự phục tùng vô nguyên tắc về mặt chính trị, tất cả người dân cùng nhau tự lập pháp dưới sự dẫn dắt của “ý chí chung”, chủ quyền nhân dân tồn tại với nguyên tắc bất phân, bất khả chuyển nhượng. Toàn bộ nội dung của tác phẩm có giá trị thức tỉnh nhân dân về phẩm giá và quyền thuộc về bản chất của họ, thúc đẩy quần chúng nhân dân làm cách mạng xóa bỏ chế độ phong kiến lỗi thời đang tồn tại, làm biến đổi thân phận của người dân từ vị trí là “thần dân” thành “công dân”, từ vị thế người làm nô trở thành người làm chủ. Tư tưởng chính trị - pháp lý của J.J.Rousseau có ý nghĩa không chỉ đối với cách mạng Pháp mà còn cổ vũ các dân tộc đang bị xâm lược, nô dịch đấu tranh xóa bỏ áp bức, xây dựng trật tự xã hội mới.
    + Những kết quả của luận án
    1. Luận án đã lý giải được tư tưởng chính trị - pháp lý của J.J.Rousseau ra đời không phải là một sự tình cờ mà là một tất yếu của lịch sử phát triển tư tưởng của xã hội loài người, là sự phản ánh của tồn tại xã hội nước Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung, là sự phản ánh của điều kiện kinh tế chính trị xã hội thế kỷ XVII-XVIII, là sự kế thừa những tiền đề lý luận về nhà nước và pháp quyền của các nhà tư tưởng trước đó từ cổ đại đến cận đại.
    2. Luận án đã phân tích một cách có hệ thống nội dung tư tưởng chính trị - pháp lý của J.J.Rousseau trong một tác phẩm cụ thể là “Bàn về khế ước xã hội”, trong đó, luận án đã phân tích và làm sáng tỏ được những luận điểm cơ bản như bản chất, vai trò, vị trí pháp luật trong đời sống xã hội; mối quan hệ biện chứng giữa một trật tự chính trị hợp pháp với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do, quyền tư hữu và bình đẳng xã hội; quyền lực tối cao thuộc về nhân dân.
    3. Luận án phân tích, rút ra được hai đặc điểm cơ bản của tư tưởng chính trị - pháp lý J.J.Rousseau trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội”. Một là, chứa đựng tính biện chứng sâu sắc; Hai là, chứa đựng tính chất mâu thuẫn: vừa ủng hộ vừa phản biện đối với hệ tư tưởng tư sản thế kỷ XVII-XVIII.
    4. Luận án đã chỉ ra được giá trị và những hạn chế của tư tưởng chính trị - pháp lý J.J.Rousseau trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội”, cụ thể như tư tưởng hướng đến bảo vệ con người và quyền con người, hướng đến những giá trị nhân văn phổ biến; thúc đẩy cách mạng Pháp bùng nổ trong hiện thực, gợi mở một số vấn đề cho lý luận chủ nghĩa xã hội, đồng thời góp phần làm phong phú hơn lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Bên cạnh đó, luận án cũng vạch ra những hạn chế nhất định trong tư tưởng chính trị - pháp lý của J.J.Rousseau như tính duy tâm lịch sử, trừu tượng, xa rời hiện thực...
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Kết quả nghiên cứu của luận án làm rõ thực chất, giá trị tư tưởng chính trị - pháp lý của J.J.Rousseau có giá trị tham chiếu, bổ sung lý luận về nhà nước và pháp luật đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác giảng dạy, nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị, nhà nước pháp quyền.
    Sự vận dụng tư tưởng chính trị - pháp lý của J.J.Rousseau vào việc xây dựng lý luận và thực tiễn nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được luận án trình bày chỉ có tính chất gợi mở một số vấn đề then chốt, chưa được chi tiết, đầy đủ. Đây là nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu và bổ sung.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên