Thông cáo báo chí

7 nhà khoa học nữ làm rạng danh đất nước ‘xuất thân’ từ Đại học Quốc gia TP.HCM

  • 19/10/2017
  • Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, một trong hai đại học hàng đầu Việt Nam, qua 20 năm xây dựng và phát triển đã trở thành một trong những cái nôi của trí thức Việt Nam. Từ đây đã có nhiều nhà khoa học, nhiều thế hệ sinh viên làm rạng danh đất nước bởi những cống hiến cho khoa học, cho đất nước.

    Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng điểm chung ở họ là đam mê nghiên cứu khoa học khiến thế giới nể phục...

    Giáo sư mê cơ khí

        Năm 1990, trong giới khoa học, cái tên Ngô Kiều Nhi được nhiều người biết đến và nể phục.Niềm đam mê máy móc cơ khí đến với bà một cách tình cờ khi thời sinh viên, bà được phân vào khoa Cơ học – ngành chỉ dành cho các chàng trai.

        Để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, bà lại tiếp tục sang Liên Xô học ngành động lực học và sức bền máy. Trở về nước sau những năm tháng đất nước vừa kết thúc chiến tranh, giáo sư Ngô Kiều Nhi luôn đau đáu vì sự tụt hậu của đất nước so với thế giới.

        Bà bắt tay triển khai ứng dụng nhiều công trình khoa học, trong đó nổi bật là dự án máy cân bằng động dùng để đo lực rung động do mất cân bằng của các chi tiết quay nhanh trong máy bay, tàu thủy, ôtô, xe máy, thiết bị khai thác dầu khí...

        Thời điểm đó, chỉ một số nước trên thế giới chế tạo được máy cân bằng động, song giáo sư Kiều Nhi quyết tâm thực hiện sản phẩm made in Viet Nam. Ngày nay, những chiếc máy cân bằng động made in Việt Nam của giáo sư Nhi có mặt khắp mọi nơi. 

        Hơn 30 năm làm khoa học, GS-TS Ngô Kiều Nhi đã chủ trì 15 đề tài nghiên cứu khoa học và hàng chục sáng tạo về thiết bị đo và là chủ nhân của Giải thưởng Kovalevskaya năm 2002. 

        Giờ đây ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà vẫn rất tâm huyết với khoa học, giáo sư Kiều Nhi chia sẻ, làm khoa học đã khó nhưng phụ nữ trong lĩnh vực này càng vất vả hơn, bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. 

    Nhà nữ khoa học mê máy tính

        Những đề tài “Bắt lỗi chính tả tiếng Việt bằng máy tính”, “Xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng máy tính”, “Xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng máy tính và ứng dụng dịch xuôi ngược Anh - Việt”, “Xử lý khoảng trống từ vựng cho các bản dịch Anh - Việt”… lần lượt ra đời đã đưa tên tuổi GS.TS Phan Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (1998-2007) nổi như cồn trong ngành máy tính mà cứ ngỡ nam giới mới thống lĩnh.

        Sau 10 năm trên cương vị hiệu trưởng, GS-TS Phan Thị Tươi đã góp phần đưa trường đại học có đến 80% nam giới này trở thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới với những thành tích ấn tượng.

        Với những cống hiến đó, năm 2009, cô Tươi đã được trao giải thưởng Kovalevskaya. Cái duyên đưa cô đến với “máy tính” là do ở thời của cô, việc học ngành gì không do bản thân quyết định mà học theo nhu cầu của đất nước để phục vụ nhân dân.  

        Giờ đây, đã qua tuổi 60 –độ tuổi mà phần lớn mọi người đều chọn giải pháp nghỉ ngơi, nhưng người phụ nữ ấy vẫn miệt mài với công việcgiảng dạy, nghiên cứu khoa học và tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh.

    Nhà khoa học đưa công nghệ sản xuất sơn ra thế giới

        Nhận giải thưởng danh giá Kovalevskaya, có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử nhận giải Nobel hòa bình năm 2005, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova là một người phụ nữ  nổi danh trong lĩnh vực khoa học và ngành sơn.

        Năm 1986, bà Hòe về  làm việc tại Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM, bà luôn ấp ủ ý tưởng nghiên cứuvề một loại sơn đặc biệt vừa đáp ứng yêu cầu khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ. Để có tiền nghiên cứu khoa học, nữ tiến sĩ phải bán đi căn nhà mình đang ở. 
    Bà luôn say mê với đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy, sơn chống đạn...Năm 1993, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya. Sau khi nhận giải thưởng danh giá này, bà Hòe quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh. Sản phẩm sơn chống thấm do bà nghiên cứu được đặt tên là Kova.

        30 năm nghiên cứu khoa học và 20 năm làm doanh nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Hoè xây dựng được một thương hiệu sơn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với 12 công ty, 7 nhà máy sản xuất, 8 văn phòng đại diện và hơn 1.000 đại lý trong và ngoài nước. Cả 3 người con của bà đều là những nhà nghiên cứu giống mẹ. Họ vừa làm khoa học, vừa chia nhau quản lý hoạt động của các công ty tại Singapore, Lào, Campuchia và Việt Nam.

        Bên cạnh công việc kinh doanh, bà Hòe còn không quên hoàn thành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với Quỹ học bổng Kova (do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là chủ tịch) hàng năm dành cho các sinh viên nghèo học giỏi.


    Nhà khoa học mê trồng tre

        Cơ duyên đưa TS Diệp Thị Mỹ Hạnh (nguyên giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG TP.HCM) đến với “nghiệp trồng tre” vào năm 1999, trong một lần về thăm quê, xã Phú An, Bình Dương. 

        Ý tưởng hình thành làng tre đã thôi thúc bà bắt tay viết dự án “Xóa đói giảm nghèo trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, với mục đích chính nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây tre Việt, cùng nhiều loài cây bị đe dọa tuyệt chủng khác ở Đông Nam bộ.

         Ban đầu, gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt kinh phí, bà Hạnh“gõ cửa” Lãnh sự quán Pháp tại TP. HCM với mong muốn được hỗ trợ thêm chút ít. Họ tư vấn, dự án quá nhỏ nên phải viết lại dự án mang tầm quốc tế, kêu gọi tài trợ của vùng Rhône Alpes (Pháp). Khi dự án tạm hoàn tất thì nước Pháp bầu cử. 
    Chính quyền mới không muốn tiếp tục thực hiện dự án nên cử ông Jean Philipe Bayon - Phó chủ tịch vùng Rhône Alpes sang Việt Nam với ý định bác bỏ việc tài trợ. Thế nhưng khi đến làng, nhìn thấy những bụi tre quý hiếm được bà  sưu tầm, ông thay đổi ý định. Sau đó,  bà Mỹ Hạnh được mời sang Rhône Alpes trình bày ý tưởng làng tre. Năm 2003, Hội đồng vùng Rhones Alpes quyết định tài trợ cho dự án 596.000 Euros (khoảng 13 tỷ đồng) trong vòng 6 năm (2003-2008). 

        Ngày nay, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tre đã hình thành đúng theo ý tưởng ban đầu. Có hơn 2.000 bụi tre, trúc, mai, vầu... của 300 mẫu thuộc 17 loài được sưu tầm từ khắp cả nước. Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tre đã thiết lập quan hệ với 7 nước trên thế giới bao gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Malaysia, Lào, Campuchia, Ma-rốc và đặt mối quan hệ với nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới.

        Năm 2010, dự án làng tre  Phú An được trao giải thưởng Xích đạo của UNDP.Vì mê trồng tre, bảo tồn tre, bà được mệnh danh là nhà khoa học gắn bó với cội nguồn.


    Nữ giảng viên lọt Top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á

        PGS.TS Lê Thị Kim Phụng sinh năm 1975 tại Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Bà học tại ĐH Bách khoa ĐHQG TP.HCM từ 1994-1999 và tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm luận văn đạt tối đa 10/10 đồng thời là thủ khoa của khoa và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. 

        Tại đây, bà vừa dạy vừa tiếp tục học lên cao học và mạnh dạn chọn lĩnh vực mới cho đề tài luận văn thạc sĩ của mình tại ĐH Bách khoa  là mô hình hóa và mô phỏng quá trình công nghệ hóa học. 

        Với nghiên cứu tập trung vào việc tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải của ngành nông nghiệp như dầu hạt cao su, hạt cà phê hay hoa quả, bà đã giành giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ năm 2016, qua đó được tạp chí khoa học nổi tiếng Asian Scientist bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á. Đặc biệt, bà Phụng xuất hiện trong danh mục nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Ngoài đại diện của Việt Nam, hai nhà khoa học khác đến từ Indonesia và Trung Quốc cũng góp mặt trong danh mục này.

        Giải thưởng này trao cho các nhà khoa học công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng với mục tiêu cải thiện sự an toàn, bền vững và an ninh của các thành phố trong thời đại đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.

    Người phụ nữ đi tìm các hoạt chất ức chế bệnh ung thư

        GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng- giảng viên bộ môn hóa hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG TP.HCM  là người dày công theo đuổi hướng nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y Việt Nam, đặc biệt là các loài chưa được nghiên cứu. Từ đó, bà đã phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của các tế bào ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường nám da, Alzheimer…

        Đến nay, giáo sư Phụng đã nghiên cứu 53 loại cây và phát hiện nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung, ung thư vú... Các công trình này đã đóng góp vào kho tàng tri thức về cây thuốc Việt Nam, cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, góp phần định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên này.Giải thưởng Kovalevskaya năm 2016 dành cá nhân thuộc về GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng.

        Trước đó, giáo sư Phụng cũng được nhận Huân chương Lao động hạng ba (2011), Nhà giáo Ưu tú (2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007) cùng nhiều bằng khen khác của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.


    Người đem môn học lạ về Việt Nam

        GS Nguyễn Thị Cành đã có 10 năm du học rồi chuyển tiếp nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế ở Nga.Từ năm 2002, GS về công tác tại khoa Kinh tế ĐHQG-HCM, nay là Trường ĐH Kinh tế - Luật.

        Khi tham gia các dự án quốc tế, GS Cành có cơ hội làm quen với khái niệm về tài chính công và các công cụ phân tích tài chính công. Khi đó ở Việt Nam chưa có môn học này, mà chỉ có môn học quản lý tài chính nhà nước được giảng dạy ở các trường ĐH kinh tế - tài chính.

        Khi sang Mỹ, bà chủ động tìm hiểu và nhờ sự ủng hộ của các đồng nghiệp Mỹ, bà đã mang được bộ giáo trình tài chính công về nước và giới thiệu rộng rãi thành môn học quan trọng cho sinh viên. 

        GS Cành đã chủ trì nhiều đề tài hợp tác quốc tế, cấp ĐHQG-HCM và cấp Thành phố; chủ biên 8 đầu sách, trong đó có 6 sách chuyên khảo, 2 giáo trình; đồng thời công bố 32 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và trong nước. Bà có 3 sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào thực tế tại trường, tiêu biểu là sáng kiến “Tìm kiếm và mời gọi các chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam hợp tác trong đào tạo”, kết quả đã thu hút được 5 tiến sĩ là Việt kiều tham gia đào tạo, hướng dẫn cho sinh viên; sáng kiến “Xây dựng chiến lược và định hướng nghiên cứu cho khối ngành kinh tế, quản lý, luật của ĐHQG-HCM..”, nhờ đó mà số lượng giảng viên nghiên cứu tăng lên, công bố nhiều bài báo quốc tế được xếp hạng cao… 

    Bà chia sẻ: cách đây 3 năm, bà rất sốc khi biết mình bị bệnh ung thư. Nhưng rồi bà đã tự trấn an mình, đến bác sĩ điều trị và tìm hiểu thông tin về căn bệnh. Giờ đây, ngoài thời gian dành cho gia đình và công việc, bà còn đến với các bệnh nhân ung thư để hỗ trợ, động viên tinh thần và chia sẻ kinh nghiệm cho họ. Hàng ngày, bà vẫn kiên trì tập luyện để duy trì sức khỏe và tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học vì với bà, đam mê khoa học là “liều thuốc” để quên đi bệnh tật.

        GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM là người đại diện cho giới khoa học nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2016, được vinh danh cùng bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó chủ tịch nước; bà Hà Thị Khiết - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương…


     Muốn góp phần xây dựng Viện nghiên cứu ung thư ở VN


        “Em đang làm hồ sơ di du học ở Mỹ về chuyên ngành ung thư. Em mong muốn trong tương lai ở Việt Nam sẽ cóviện nghiên cứu ung thư, lấy thông tin của bệnh nhân Việt Nam để nghiên cứu chứ không phải thông tin người bệnh từ các nước khác. Khi kết thúc khóa học,  em sẽ  trở về để đóng góp chút công sức nhỏ bé vào dự án này”- Em Trần Diễm Nghi (SN 1993), vừa  tốt nghiệp thủ khoa Y,  ĐHQG Tp.HCM tâm sự.

        Gia đình không ai làm bác sĩ, nhưng Nghi lại mê nghề này từ nhỏ.Tốt nghiệp loại giỏi ngành y với điểm trung bình học tập: 8.28/10. 

        Những năm tháng học y miệt mài, dù đam mê nhưng Nghi cảm thấy áp lực.Ngoài việc phải học cùng lúc nhiều kiến thức về tim mạch, thận, hô hấp và tiêu hóa thì phần thi cũng rất gay cấn. Mỗi sinh viên được bốc thăm một bệnh nhân, trong vòng 30 phút phải thăm khám, làm bệnh án, đưa ra các xét nghiệm cần thiết, sau đó đọc kết quả và đưa ra hướng điều trị.Nếu đưa ra các xét nghiệm sai, hoặc đọc kết quả không tốt thì coi như rớt. Nghi kể để trang bị kiến thức cho mình, em thường phải đọc rất nhiều sách ,trong nước và nước ngoài. 

        Để có kinh nghiệm, Nghi thường tới bệnh viện từ rất sớm để có thời gian chọn và thăm khám bệnh nhân, lập bệnh án. Ngoài vị trí thủ khoa, trước khi ra trường, Nghi đã có nhiều thành tích nổi bật như:  Sinh viên 5 tốt tiêu biểu Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2013, 2014;  Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc gia TP.HCM 4 năm liên tiếp (2012-2015);  Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2013, 2014, 2015; Thành viên đội tuyển tham gia kì thi “Inter-Medical School Physiology Quiz” tổ chức tại Malaysia năm 2013; 5 bài báo khoa học đăng tạp chí quốc tế (1 bài đăng trên tạp chí Scientific Reports) và 3 bài báo tham dự hội nghị quốc tế; 


                                        Quỳnh Mai (Báo Phụ nữ) 

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên