Năm 2021, Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Chiến lược này nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và thế giới.
Là hệ thống giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam, ĐHQG-HCM sẽ góp phần thực hiện chiến lược quốc gia này như thế nào? Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM, về chủ đề trên.
* ĐHQG-HCM đã xác định tầm nhìn, mục tiêu và định hướng như thế nào trong hoạt động nghiên cứu AI để hưởng ứng chiến lược quốc gia này, thưa ông?
- ĐHQG-HCM đã xác định rõ AI là một trong những định hướng chiến lược về phát triển KHCN, từ đó đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên AI. Việc ứng dụng AI vào các ngành, lĩnh vực khác cũng được ĐHQG-HCM quan tâm, như kết hợp AI với y tế, tài chính,…
ĐHQG-HCM đã tích cực, chủ động trong việc tham gia xây dựng các định hướng, chương trình ở tầm quốc gia, khu vực và TP.HCM về nghiên cứu và phát triển AI. ĐHQG-HCM tham gia cùng TP.HCM để xây dựng các nhiệm vụ, chương trình nhằm phát triển AI, và nhiều nhà khoa học của ĐHQG-HCM là thành viên trong Hội đồng tư vấn cho TP.HCM về lĩnh vực AI.
* Theo ông, ĐHQG-HCM có những lợi thế nào trong việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về AI?
- ĐHQG-HCM có nhiều lợi thế trong việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về AI. Trước tiên là đội ngũ các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc và đội ngũ sinh viên, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh ưu tú. Nhân lực chính là lợi thế đầu tiên cần kể đến tại ĐHQG-HCM.
Tiếp theo, ĐHQG-HCM có quan hệ rộng rãi và mạng lưới hợp tác với các chuyên gia và tổ chức uy tín trong nước và thế giới, có tiềm năng hợp tác để nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI.
ĐHQG-HCM hợp tác chặt chẽ với TP.HCM và các địa phương để đẩy mạnh chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI. Đồng thời, ĐHQG-HCM có rất nhiều ngành, lĩnh vực ứng dụng AI. Vì vậy, ĐHQG-HCM khuyến khích việc hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực để AI có thể phát huy được sức mạnh tiềm năng trong nhiều ngành khoa học khác nhau.
* ĐHQG-HCM đang thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu nào về AI, thưa ông?
- Từ năm 2020 đến nay, ĐHQG-HCM đã có nhiều đề tài khoa học theo hướng AI được triển khai nghiên cứu. Mỗi đề tài NCKH đều được hội đồng chuyên môn đánh giá, xem xét về khả năng triển khai để gắn kết với chương trình AI của quốc gia, hoặc chương trình AI của TP.HCM cũng như các địa phương.
ĐHQG-HCM còn đẩy mạnh việc hợp tác với doanh nghiệp, như với tập đoàn Hưng Thịnh, để nghiên cứu ứng dụng AI vào các bài toán thực tế.
* Ông có những đề xuất gì để hoạt động nghiên cứu về AI của ĐHQG-HCM phát triển hơn nữa?
- Tôi cho rằng ĐHQG-HCM cần thúc đẩy sự phát triển của các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về AI tại các đơn vị thành viên của ĐHQG-HCM, hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, đa ngành có sự kết hợp với AI. Từ đó, tạo sự hợp tác với các đơn vị bên ngoài ĐHQG-HCM. Đồng thời, ĐHQG-HCM phải kết hợp tiềm lực nghiên cứu khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của các đơn vị thành viên trong ĐHQG-HCM cùng các chuyên gia trong và ngoài nước để tham gia giải quyết các bài toán lớn về AI và ứng dụng AI.
Ngoài ra, việc xây dựng cầu nối để gắn kết các nhà khoa học, chuyên gia về KHCN&ĐMST trong và ngoài nước nhằm bồi dưỡng, đào tạo và định hướng phát triển cho học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh… ưu tú trong lĩnh vực AI là nhiệm vụ cấp thiết.
PHAN ANH thực hiện
Hãy là người bình luận đầu tiên