Tin tức - Sự kiện

Ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn chính trị Việt và Mỹ - NCS. Nguyễn Xuân Hồng

  • 16/01/2020
  • -    Tên luận án: “Ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn chính trị Việt và Mỹ”
    -    Ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
    -    Mã số: 62.22.02.41
    -    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Xuân Hồng
    -    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trịnh Sâm
    -    Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM

    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
     Trước hết, từ việc nhận diện các ẩn dụ ý niệm (ADYN) phổ biến trong hai hệ thống diễn ngôn chính trị tiếng Việt (DNCTTV) và diễn ngôn chính trị tiếng Anh Mỹ (DNCTTAM), chú ý thích đáng sự tương tác về mặt văn hóa, luận án đã phân tích cấu trúc và chức năng của chúng trong mối quan hệ với miền nguồn và miền đích dựa vào chủ thuyết của Kövecses (2005, tr.67-68). Thứ đến, từ các đặc điểm đã xác lập, coi ADYN trong DNCTTV là cơ sở tiến hành so sánh với ADYN trong DNCTTAM, luận án đã tìm ra được những đặc điểm tương đồng và dị biệt trong hai hệ thống diễn ngôn chính trị (DNCT), cũng như nêu lên một số gợi ý về mặt thực tiễn có tính chất ứng dụng.
    + Những kết quả của luận án
    1. Với tư cách là một công cụ để suy nghĩ, ADYN xuất hiện đều khắp trong mọi ngõ ngách của đời sống và ở các lĩnh vực trừu tượng, phức tạp thì sự xuất hiện của nó càng nhiều. Vai trò của ADYN trong DNCT không phải là ngoại lệ. 
    2. ADYN liên quan chặt chẽ đến DNCT và nó là một thành tố quan trọng không thể thiếu được trong lập thức. Thông qua những miền ý niệm cụ thể, dễ quan sát, các chính trị gia thường dẫn giải, thuyết minh về những ý niệm trừu tượng, liên quan đến chính trị. Đó là lý do giải thích sự xuất hiện với tần suất khá cao của ADYN trong các DNCT.
    3. Trong DNCTTV, Hồ Chí Minh là tác giả có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực này với nhiều ẩn dụ độc đáo. Miền nguồn HOẠT ĐỘNG CON NGƯỜI, nói rộng ra là phạm trù CON NGƯỜI, dù trực tiếp hay gián tiếp đều có thể xuất hiện trong các miền nguồn còn lại. 
    4. Trong DNCTTAM, trước hết, các ADYN không chỉ liên quan đến hoạt động con người, mà nó còn bị chi phối bởi miền nguồn THUỘC TÍNH, TÍNH CHẤT CỦA CON NGƯỜI và cả phạm trù CON NGƯỜI như là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Thứ đến, có 3 miền nguồn tương thích với 3 miền nguồn xuất hiện trong DNCTTV như: GIA ĐÌNH, XÂY DỰNG và HÀNH TRÌNH. Ngoài ra, so với các miền nguồn trong tiếng Việt, có 3 miền nguồn mới là CHIẾN TRANH, THỜI TIẾT và ĐỘNG VẬT. Sự xuất hiện hay không xuất hiện của miền nguồn nào, xuất hiện theo thứ tự như thế nào trong từng hệ thống miền nguồn đã khảo sát bị chi phối bởi đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa của mỗi nước. 
    5. Theo con đường qui nạp, các ADYN càng khái quát, càng trừu tượng mà một số nhà nghiên cứu gọi là ẩn dụ bậc trên thì thường là giống nhau (phổ quát). Còn ngược lại, theo con đường diễn dịch, sự dị biệt thường xuất hiện ở những ẩn dụ cụ thể mà các nhà ngôn ngữ gọi là ẩn dụ bậc dưới có tính chất đặc thù. Mặt khác, ngữ liệu khảo sát cũng cho thấy rằng loại ẩn dụ nào được kiến tạo từ những trải nghiệm trực tiếp, tức là loại ẩn dụ cơ bản (primary metaphor), cụ thể thường cũng có xu hướng là tương đồng giữa các ngôn ngữ. 
    6. Trong giới hạn của việc so sánh với 3 miền nguồn đã xác định: CON NGƯỜI, HÀNH TRÌNH và TÒA NHÀ, nhìn chung việc chọn lựa các đặc điểm từ miền nguồn để ánh xạ lên miền đích, cũng như có sự thay đổi một cách biện chứng, tùy theo quan hệ, một miền nguồn trong lĩnh vực này có thể trở thành miền đích trong lĩnh vực khác là khá tương đồng trong hai hệ thống diễn ngôn. Như vậy, 4 mô hình của Kövecses (2005) đều ít nhiều có xuất hiện, trong đó nhiều nhất là mô hình 1, mô hình 2, và ít nhất là mô hình 4.
    7. DNCT Mỹ qua các đời tổng thống đều xuất hiện rất nhiều các ADYN. Đó là chưa kể, mỗi cá nhân có những cách ý niệm hóa riêng. DNCTTV lại ít xuất hiện ẩn dụ và các biểu thức liên quan đến các miền nguồn được khảo sát thường lặp đi lặp lại. Do vậy, chúng bị bào mòn ngữ nghĩa, không tạo nên sức hấp dẫn đối với người nghe, người đọc. Ngoài ra, có nhiều cứ liệu cho thấy rằng, con người sống và hành động theo ẩn dụ và mỗi cộng đồng dân tộc có một số ẩn dụ nổi bật, mà dựa vào chúng dân tộc đó sẽ sống và chúng chi phối các ẩn dụ khác.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    1. Kết quả thu được từ luận án sẽ mở ra triển vọng giảng dạy DNCT theo cách tiếp cận mới; giúp cho việc soạn thảo, giảng dạy và biên - phiên dịch DNCT sát với yêu cầu thực tế trong quá trình hội nhập hiện nay.
    2. Với cách tiếp cận của luận án, có thể mở rộng đối tượng khảo sát, đặc biệt là sử dụng kiến thức của ngôn ngữ học dữ liệu (corpus linguistics) để tìm ra các quy luật hình thành mối tương quan giữa miền nguồn và miền đích trong những lĩnh vực diễn ngôn cụ thể, cũng như tìm cách giải thích sự có mặt hay không có mặt, có mặt nhiều hay ít của một loại miền cụ thể nào đó.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên