Tên đề tài: Ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm cảm xúc yêu trong tiếng Hàn, đối chiếu với tiếng Việt (Trên cứ liệu lời thoại phim truyền hình)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 9222024
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Thị Hồng Hà
Người hướng dẫn khao học: PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng
Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Luận án đi sâu tìm hiểu hệ thống ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm cảm xúc yêu trong tiếng Hàn trên cứ liệu lời thoại phim truyền hình, một loại diễn ngôn quen thuộc, ít nhiều gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp, đối chiếu với tiếng Việt. Dựa trên cơ sở đó, ứng dụng xây dựng quy trình dịch các ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm cảm xúc yêu trong phụ đề phim Hàn từ tiếng Hàn sang tiếng Việt.
+ Những kết quả của luận án
1. Tám mô hình ẩn dụ ý niệm với các miền nguồn: SỰ GẮN KẾT CỦA HAI VẬT THỂ, CĂN BỆNH, CUỘC CHIẾN, CUỘC HÀNH TRÌNH, SỰ SỞ HỮU, VẬT CHỨA, VẬT THỂ, SỨC MẠNH, cùng ba mô hình hoán dụ: PHẢN ỨNG SINH LÝ ĐẠI DIỆN CẢM XÚC YÊU, PHẢN ỨNG BIỂU LỘ ĐẠI DIỆN CẢM XÚC YÊU và PHẢN ỨNG HÀNH VI ĐẠI DIỆN CẢM XÚC YÊU là các mô hình tri nhận thông dụng được dùng để tư duy và diễn đạt cảm xúc yêu trong ngữ liệu tiếng Hàn và tiếng Việt của chúng tôi.
2. Mỗi mô hình ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm mã hóa một khía cạnh nhất định của tình yêu. Tuy nhiên chỉ một số yếu tố cấu trúc nhất định được sử dụng để tri nhận cho các khía cạnh này.
3. Về cơ bản, tám mô hình ẩn dụ ý niệm và ba mô hình hoán dụ ý niệm cho thấy sự tương đồng giữa tiếng Hàn và tiếng Việt trong cơ chế chiếu xạ, cấu trúc tư duy cũng như căn cứ tri nhận. Một số tương đồng mang tính khu vực, cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, văn hóa Trung Quốc.
4. Đặc thù tư duy ngôn ngữ của tiếng Hàn và tiếng Việt được thể hiện trên ngữ liệu chủ yếu được tìm thấy trong sự khác biệt về chất liệu tư duy, các diễn đạt cụ thể. Các đặc thù này có thể liên quan đến sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội, đặc điểm lịch sử hay thói quen sinh hoạt, nguồn gốc dân tộc, cá tính dân tộc...
5. Có những biểu thức cho thấy sự xuất hiện đồng thời của cả hai hiện tượng tư duy ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm. Do tính chất nổi trội của ẩn dụ, các biểu thức này thường được xếp vào ẩn dụ ý niệm, tuy nhiên hoán dụ ý niệm cũng đóng một vai trò quan trọng không kém trong cơ chế tri nhận của các biểu thức này. Mối quan hệ giao thoa chủ yếu diễn ra dưới hai dạng: ẩn dụ từ hoán dụ và hoán dụ trong ẩn dụ, chủ yếu phổ biến ở một số mô hình ẩn dụ ý niệm với một số hoán dụ ý niệm nhất định.
6. Liên quan đến vấn đề dịch phụ đề tiếng Việt của một số bộ phim truyền hình Hàn Quốc, kết quả khảo sát cho thấy mỗi ẩn dụ ý niệm hoặc hoán dụ ý niệm có xu hướng sử dụng một số chiến lược dịch, và thường gặp phải một số vấn đề nhất định khi dịch. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi đề xuất mô hình dịch trên quan điểm tri nhận đối với các ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm cảm xúc yêu trong phim truyền hình Hàn Quốc.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể trực tiếp ứng dụng vào dịch phụ đề phim truyền hình Hàn Quốc sang tiếng Việt, cung cấp ngữ liệu để nghiên cứu biên soạn tài liệu dạy học môn tiếng Hàn cho người Việt hoặc tiếng Việt cho người Hàn, đặc biệt là môn dịch và làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu về sau, liên quan đến vấn đề ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm cảm xúc.
Tuy nhiên, đề xuất dịch thuật của chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra phương hướng tiếp cận cụ thể từ quan điểm tri nhận đối với vấn đề dịch ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm cảm xúc yêu. Chúng tôi hy vọng cùng hướng nghiên cứu của luận án sẽ có các đề tài đi sâu hơn vào ứng dụng dịch thuật hoặc phương pháp dạy dịch, phát triển các đề xuất ứng dụng của chúng tôi trên cơ sở điều tra khảo sát và thí nghiệm kiểm chứng.
Hãy là người bình luận đầu tiên