Hội thảo

Ban hành Luật Nhà giáo để giúp nhà giáo có cuộc sống tốt hơn, yêu nghề hơn

  • 03/04/2024
  • Đó là quan điểm được nhiều đại biểu đồng tình tại Toạ đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do ĐHQG-HCM tổ chức vào sáng 3/4.

    Toạ đàm có sự tham dự của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng và hơn 80 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành giáo dục, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế.

    PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, với trách nhiệm và vai trò của mình, ĐHQG-HCM tổ chức toạ đàm, có sự chia sẻ về luật nhà giáo của Singapore và Trung Quốc để các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước cùng chia sẻ quan điểm, trao đổi, thảo luận về chính sách nhà giáo, cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp trong quán trình xây dựng Luật Nhà giáo tại Việt Nam.

    Chính sách đãi ngộ nhân tài của NUS

    Trình bày tham luận tại toạ đàm, GS Tulika Mitra, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết NUS rất coi trọng nhân tài và có chiến lược phát triển rõ ràng từ việc chủ động tuyển dụng, đầu tư vào phát triển, xây dựng, kết nối liên ngành đến đổi mới tư duy lãnh đạo. Một trong những chính sách thu hút nhân tài của NUS là chính sách “Nuôi dưỡng Khát vọng Học thuật”.

    Chính sách này bao gồm nhiều chương trình tài trợ và học bổng. Trong đó, “Chương trình học giả sau đại học ở nước ngoài NUS” sẽ hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh người Singapore ở nước ngoài trong giai đoạn viết luận án từ hỗ trợ tài chính, chi phí đi lại đến những ưu đãi tuyển dụng, tạo điều kiện vào các vị trí có ngạch chuẩn khi trở về làm việc tại NUS.

    Với những nghiên cứu sinh đang trong giai đoạn học chuyên đề và học giả sau tiến sĩ người Singapore ở nước ngoài thì NUS có “Chương trình tài trợ phát triển” riêng. Theo đó, mỗi năm, nghiên cứu sinh tiến sĩ sẽ được nhận 10.000 SGD, học giả sau tiến sĩ được nhận 20.000 SGD.

    Ngoài ra, đại học này còn có “Chương trình giáo sư trẻ của Giám đốc NUS” với rất nhiều hỗ trợ tốt cho học giả trẻ tài năng có thành tích nghiên cứu xuất sắc như được làm việc tại vị trí tương đương trợ lý giáo sư với mức thu nhập hấp dẫn: ở khối khoa học xã hội được tài trợ nghiên cứu star-up 750.000 SGD, và ở khối STEM là 1 triệu SGD.

    Luật Nhà giáo của Trung Quốc trao quyền cho địa phương

    Chia sẻ quá trình xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo tại Trung Quốc, GS Guodong Yang - Giảng viên Trường Luật Hành chính, Đại học Chính pháp Tây Nam, Trung Quốc cho biết, để thực hiện các chủ trương quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình về giáo dục, đặc biệt nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng nhà giáo, cải thiện các quy định pháp luật về nhà giáo, năm 2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã nghiên cứu và trình “Dự thảo Luật Nhà giáo của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện.

    Theo đó, Luật Nhà giáo của Trung Quốc bao gồm 3 nội dung chính: phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm nhà giáo.

    Trong đó, chính quyền địa phương được trao quyền quản lý nhà giáo, bao gồm tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật...

    GS Yang cho biết thêm, trong các hoạt động tuyển dụng cụ thể, chính quyền địa phương có thể xây dựng các chính sách quản lý nhà giáo tương ứng dựa trên tình hình giáo dục thực tế ở địa phương, chẳng hạn như đặt ra các tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo và thiết lập cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà giáo.

    Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhà giáo, chính quyền địa phương có thể tự quyết định việc phân bổ nguồn lực giáo dục, bao gồm kinh phí, tài liệu giảng dạy, cơ sở vật chất... cũng như có quyền tự chủ nhất định trong thực hành cải cách giáo dục.

    Đồng thời, chính quyền có thể đưa ra các biện pháp cải cách giáo dục và phương pháp, chương trình, hoạt động đánh giá giảng dạy và các khía cạnh khác dựa trên điều kiện thực tế để thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy.

    Cần có luận cứ khoa học đầy đủ về chế định nhà giáo ở Việt Nam

    Toạ đàm đã nhận đươc hơn 15 ý kiến đóng góp liên quan đến chính sách, vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ của nhà giáo.

    TS Thái Thị Tuyết Dung - Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế ĐHQG-HCM cho biết nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước, là lực lượng có mối liên hệ mật thiết với khoảng 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức năm 2010 và rất nhiều văn bản liên quan; các văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả các viên chức ở tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp khác. Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất.

    Vì vậy, theo TS Tuyết Dung, để tiến tới xây dựng Luật Nhà giáo, cần thiết phải có luận cứ khoa học đầy đủ về chế định nhà giáo ở Việt Nam. Bên cạnh đó cần tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng để điều chỉnh về nhà giáo hoặc có chính sách pháp luật điều chỉnh về nhà giáo phát triển nhằm xây dựng một đạo luật nhà giáo điều chỉnh tổng thể các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo cũng như quá trình áp dụng các chính sách liên quan đến nhà giáo của một số nước.

    Theo Viện sĩ PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Cố vấn cao cấp của Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, Luật Nhà giáo của Việt Nam cần lưu ý nhiều vấn đề, trong đó có việc không nên áp dụng chuẩn giáo viên cho các nhà khoa học, đặc biệt là với các nhà khoa học ở các trường, viện định hướng nghiên cứu. Ông cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ nếu không “Luật Nhà giáo có nguy cơ khiến toàn bộ hệ thống giáo dục đơn điệu và thiếu sự sáng tạo”.

    Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng Luật Nhà giáo không phải là luật “gom” những vấn đề của nhà giáo ở trong các luật vào mà phải làm sao để quy định về nhà giáo trong luật này đồng bộ với các luật khác.

    “Mục đích của Luật Nhà giáo là làm sao để nhà giáo được tôn vinh hơn, vị thế nhà giáo được đặt cao hơn, chính sách, môi trường cơ chế nhà giáo tốt hơn và nhà giáo yêu nghề hơn” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.

    Đánh giá cao chất lượng toạ đàm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn ĐHQG-HCM, các nhà khoa học, chuyên gia đã tổ chức và đóng góp rất nhiều ý kiến hay, với nhiều phân tích và góc nhìn đa chiều. Ông cũng cho rằng Luật Nhà giáo ban hành không phải để đưa ra những quy định để quản lý nhà giáo mà giúp phát triển đội ngũ nhà giáo, phát huy được tâm huyết, trí tuệ, tài năng của nhà giáo. Ông cho biết các ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo và trình Quốc Hội trong thời gian tới.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh: Lý Nguyên.
    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh: Lý Nguyên.
    Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. Ảnh: Lý Nguyên.
    Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. Ảnh: Lý Nguyên.
    Toàn cảnh toạ đàm.
    Toàn cảnh toạ đàm.
      Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu. Ảnh: Lý Nguyên.
     Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu. Ảnh: Lý Nguyên.

    ĐOÀN CHÂU - THIỆN THÔNG

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên