Tin tổng hợp

Báo Tuổi Trẻ và giảng đường báo chí

  • 21/06/2016
  • Tôi trở thành bạn đọc của Tuổi Trẻ từ khi mới bước vào tuổi Đoàn, tính ra cũng xấp xỉ tuổi của Tuổi Trẻ hôm nay. Sau này do nhu cầu nghề nghiệp, Tuổi Trẻ đối với tôi không chỉ là nơi cung cấp tin tức thời sự thiết thân mà còn là một nguồn tài liệu để nghiên cứu, giảng dạy báo chí rất thú vị và hữu ích.
    * Trách nhiệm xã hội của nhà báo
    Báo Tuổi Trẻ và chương trình Tiếp sức đến trường. Ảnh: Tuổi Trẻ online

    Trong giáo trình, bài giảng của tôi và các đồng nghiệp về báo chí, Tuổi Trẻ luôn là chọn lựa hàng đầu cho các case study (trường hợp nghiên cứu) hoặc cho các dẫn chứng minh họa, giúp sinh viên nắm bắt được nội dung, ý tưởng một cách dễ dàng, sống động.

        Báo chí được coi là tấm gương phản ánh thời cuộc và tiến trình lịch sử. Với phạm vi, đối tượng đưa tin rộng lớn, lượng thông tin dồi dào, có thể nói Tuổi Trẻ là một chứng nhân, một người thư ký đáng tin cậy về đời sống xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh trong 40 năm qua. Những sự kiện trọng đại, những bước đi chính yếu, những đổi mới nổi bật, những con người tiêu biểu… và cả những vết đen, hốc tối ở Việt Nam và ở thành phố này đều được ghi lại trên Tuổi Trẻ khá trình tự, cụ thể và hệ thống. Không khí và tâm tình của người Sài Gòn sau giải phóng ra sao, Thành phố dồn sức và hy sinh cho cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thế nào, đâu là những trăn trở và đột phá ban đầu của thời kỳ đổi mới, rồi quá trình phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa mang lại những thành công và hệ lụy gì… tất cả đều in đậm trên từng trang viết của Tuổi Trẻ. Đó là một thứ biên niên sử “sơ sài và thô ráp” mà những nhà viết sử hôm nay và mai sau ắt cần tham khảo.

        Ở khía cạnh trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo, hơn 40 năm qua, Tuổi Trẻ - dù có những khoảnh khắc thăng trầm nhưng qua từng bài báo, số báo của các thế hệ cầm bút nối tiếp nhau - vẫn ý thức và thể hiện sự thủy chung trong việc gầy dựng một mẫu hình nhà báo tử tế, đúng mực, đúng nghĩa, xứng đáng với kỳ vọng của công chúng. Tuổi Trẻ tuyên chiến không khoan nhượng với cái ác, cái xấu, cái tiêu cực như ở loạt bài nổi tiếng về Đường Sơn Quán, điện kế điện tử, nạn cơm tù, tệ mãi lộ; mặt khác Tuổi Trẻ cũng “đắng lòng” dõi theo giá con cá, cọng rau đi từ đồng ruộng, ao làng đến bàn ăn của người lao động. Tuổi Trẻ đăng tải những ước nguyện của công dân về đất nước 20 năm sau nhưng Tuổi Trẻ không quên những phận người chết thảm trong vụ tai nạn từ 30 năm trước. Tuổi Trẻ đặt vấn đề 18 tuổi liệu đã trưởng thành nhưng đồng thời Tuổi Trẻ biết kéo Hoàng Sa, Trường Sa về gần hơn với trái tim bạn trẻ. Tuổi Trẻ không ngại đưa “tin xấu” về một ai đó nhưng Tuổi Trẻ cũng fairplay khi sẵn sàng dành “đất” cho họ “nói lại” những điều báo đã nêu. Tuổi Trẻ từng có những bài phê phán nảy lửa ngành giáo dục nhưng cũng chính Tuổi Trẻ mở diễn đàn cho người dân hiến kế chấn hưng nền giáo dục. Ngay những bài bình luận ngắn về bóng đá, tưởng chỉ để giải trí nhưng Tuổi Trẻ vẫn thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của mình đối với ngành thể thao nước nhà, đôi khi ẩn chứa cả những vấn đề lớn lao hơn ở trong đó. Đưa tin đa dạng và đa chiều như thế, chứng tỏ Tuổi Trẻ không chỉ giỏi nghề, dụng công mà còn có cái tâm nhân hậu, ngay thẳng của người làm báo.

    Báo Tuổi Trẻ số ra ngày di quan Đại tướng Võ Nguyên Giáp . Ảnh: Tuổi Trẻ online

    Về phương diện nghiệp vụ, Tuổi Trẻ luôn cho thấy mình ít chịu đứng yên hay lùi bước trước các kỹ thuật và xu hướng làm báo hiện đại trên thế giới. Ở Việt Nam hiếm nhật báo nào như Tuổi Trẻ, có thể triển khai hiệu quả nhiều tuyến bài, đăng trên nhiều số liên tục, làm thành một chiến dịch truyền thông nhằm đưa lại cái nhìn toàn cảnh, đa diện, có chiều sâu về một sự kiện, chẳng hạn loạt bài về sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, máy bay quân sự rơi ở Hà Nội, nổ bình gas dân dụng ở Bình Dương… Một số sự kiện khác, như vụ hôi bia ở vòng xoay Tam Hiệp, cái chết thương tâm dưới bánh xe buýt ở ngã tư Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (TP.HCM), Tuổi Trẻ đã phối hợp thể hiện bằng hai, ba thể loại khác nhau (tường thuật, bình luận, tiểu phẩm hoặc tin, phỏng vấn, bình luận) để giúp người đọc có được nhiều thông tin và xúc cảm. Ở từng tin bài, các quy tắc, chuẩn mực về thể loại, văn phong thường được tuân thủ khá nghiêm ngặt. Rồi các thành phần của tin bài, từ tít, sa-pô, dẫn nhập, trung đề, đến hộp thông tin, cửa sổ, tranh ảnh, đồ họa được thực hiện một cách bài bản. Kỹ thuật chứng minh “không có nguồn tin khác” của báo chí Mỹ cũng được Tuổi Trẻ áp dụng trong những tin bài nhạy cảm. Ngày di quan Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong mỗi tờ Tuổi Trẻ có thêm tấm ảnh của vị tướng này để người đọc có “phương tiện”thể hiện tình cảm của mình trước người quá cố. Cách làm của Tuổi Trẻ dễ gợi nhớ cách làm của tờ Libération trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2002. Chính ý thức và nỗ lực vươn tới chuẩn mực của báo chí hiện đại đã rút ngắn khoảng cách giữa Tuổi Trẻ với các trường đào tạo báo chí, làm cho bài học ở giảng đường và thực tiễn báo chí trở nên gần gũi và có sự tương tác.

        Năm 2011, Tuổi Trẻ tiên phong vận dụng trào lưu báo chí công dân vào Việt Nam bằng cuộc thi “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” và gặt hái được thành công đáng quý. Cuộc thi đã khơi gợi tinh thần công dân của công chúng qua việc cung cấp thông tin hoặc trực tiếp gửi tin bài về Tuổi Trẻ. Ngày 16/8/2015, Tuổi Trẻ cho biết sẽ “cố gắng chuyển từ ‘báo chí phản ánh’, ‘báo chí tường thuật’ đơn thuần sang ‘báo chí phân tích’, ‘báo chí bình luận’ và ‘báo chí giải pháp’”. Đây là những xu hướng làm báo mới đang thể nghiệm ở Mỹ và vài quốc gia phương Tây. Do đó, lựa chọn trên của Tuổi Trẻ là hợp thời, nhất là trong bối cảnh xã hội và truyền thông Việt Nam hiện nay. Khi dân chủ và dân trí nâng cao, sự nghiệp đổi mới đòi hỏi nhiều tư duy lý tính và sự cạnh tranh thông tin khốc liệt của mạng xã hội thì nhật báo - rộng ra là báo in - không thể tự bằng lòng làm báo theo kiểu “chạy theo sau chiếc xe cứu thương”, tức chỉ phản ánh, tường thuật sự kiện như nó đã diễn ra mà cần phải “phân tích”, “bình luận” sự kiện thấu đáo từ nhiều góc độ, mối liên hệ và quan điểm khác nhau. Bốn vụ thảm sát hàng loạt trong năm 2015, hẳn có nguyên nhân sâu xa từ trong đời sống xã hội và thể chế chứ không giản dị xuất phát từ lòng tham, thói hung hãn hay bệnh lý của người gây án. Báo chí bây giờ không thể “khách quan” phê phán những bất cập của xã hội và chính quyền mà phải tích cực trình bày những “giải pháp” khả dĩ để loại bỏ những bất cập đó. Chính từ những “phân tích”, “bình luận”, “giải pháp” đưa ra trên báo chí, chính quyền và người dân sẽ tự do chọn lựa hướng đi và tương lai của mình.

        Ở Mỹ, tờ The New York Times vốn có thị trường rất rộng nhưng vẫn tìm cách thâm nhập các trường phổ thông và đại học với mục tiêu muốn trở thành một phương tiện học tập cho học sinh và sinh viên. Tôi không chắc Tuổi Trẻ có tham vọng như The New York Times nhưng với những gì đạt được trong hơn 40 năm qua, Tuổi Trẻ đã và đang có một vị trí xứng đáng trong các giảng đường đại học báo chí ở Việt Nam.


    NGUYỄN HÀ

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên