Chiều 14/10, tại cơ sở Lý Thường Kiệt (Q10), Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM tổ chức hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua kiểm định và công nhận chất lượng bởi các tổ chức quốc tế uy tín ASIIN, AQAS, FIBAA, CTI, HCERES”. Đại diện lãnh đạo 20 trường đại học trên cả nước tham dự.
PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, cho biết tính đến tháng 7/2022, không tính chương trình đào tạo (CTĐT) tái kiểm định và các CTĐT đã kiểm định theo nhiều bộ tiêu chuẩn, nhà trường đã có 51 CTĐT được các tổ chức quốc tế uy tín ASIIN, AQAS, FIBAA, CTI…
“Đảm bảo chất lượng là một yếu tố quan trọng và đó cũng là mục tiêu lớn nhất mà nhà trường đề ra. Do đó, việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định cấp chương trình đào tạo và cấp cơ sở giáo dục thông qua các cơ sở kiểm định uy tín trên thế giới là một chiến lược lâu dài của trường” - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa nhấn mạnh.
Hội thảo đã được lắng nghe TS Võ Đại Nhật - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng - Trường ĐH Bách Khoa, trình bày 2 tham luận về quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua kiểm định và công nhận chất lượng CTĐT của các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín và trải nghiệm kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn HCERES của Trường ĐH Bách Khoa.
Theo TS Võ Đại Nhật, việc đạt kiểm định chuẩn quốc tế của các CTĐT đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên và nhà trường. Các chứng nhận kiểm định CTĐT sẽ thể hiện sự cam kết về chất lượng đào tạo của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, đặc biệt là các đơn vị sử dụng lao động.
Sinh viên tốt nghiệp từ các CTĐT đạt chuẩn kiểm định quốc tế sẽ có nhiều lợi thế tuyển dụng. Đặc biệt, các tổ chức kiểm định mà Trường ĐH Bách Khoa được đánh giá đều là thành viên của Hiệp hội Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Đại học châu Âu. Đây là cơ hội cho sinh viên tham gia chuyển đổi tín chỉ với các trường đại học trên thế giới, trúng tuyển sau đại học cũng như tìm kiếm việc làm ở các nước châu Âu…
Tin, ảnh: THU HƯƠNG
Hãy là người bình luận đầu tiên