Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng lan rộng và diễn biến phức tạp, việc dạy và học online được xem giải pháp tình thế cho ngành giáo dục cả nước. Việc dạy và học online mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại không ít thách thức cho sinh viên, giảng viên.
Xu thế tất yếu
Dịch bệnh COVID-19 khiến cho nhiều hoạt động bị ngừng trệ, đặc biệt là ngành giáo dục vì phải thực hiện giãn cách xã hội khá lâu. Để khắc phục khó khăn giai đoạn đầu, ngành giáo dục đã đề xuất giải pháp lùi thời gian kết thúc năm học. Nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nên nhiều trường đẩy mạnh triển khai áp dụng phương pháp dạy và học online để đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, sinh viên.
“Việc dạy và học online trong tình hình dịch bệnh COVID-19 là một giải pháp tốt. Nó không chỉ giúp người học tiếp cận được kiến thức trong thời gian giãn cách xã hội mà còn tạo điều kiện cho giảng viên tự trau dồi và phát triển những kỹ năng dạy học mới trong giai đoạn ‘đặc thù’” - ThS Huỳnh Minh Tuấn, giảng viên Khoa BC&TT Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho biết.
Theo ThS Huỳnh Minh Tuấn, để áp dụng hiệu quả việc dạy và học online, cần có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, học liệu... và phải tập huấn không chỉ cho người dạy mà cả người học. Việc áp dụng phương pháp này vào giai đoạn đại dịch chỉ mang tính tình thế, thiếu các điều kiện tiền đề nên khó thể đem lại chất lượng tối ưu.
Hình thức dạy và học online đang được các trường đại học thúc đẩy phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi đối tượng người học. Dạy và học online là một xu thế tất yếu mà các nước trên thế giới cũng như Việt Nam hướng tới. Trong thời đại 4.0 hiện nay, nhiều người có xu hướng lựa chọn học online bởi cách học thuận tiện, linh hoạt về thời gian lẫn địa điểm.
PGS.TS Trương Văn Vỹ, Trưởng Bộ môn Ngữ văn Ý, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho rằng với nhiều ưu thế vượt trội, dạy và học online đang cạnh tranh quyết liệt với cách dạy và học truyền thống và hoàn toàn có khả năng thay thế cách dạy và học truyền thống.
“Hiện nay chục triệu người đang theo học online ở Mỹ. Rất nhiều nước trên thế giới cũng đang sử dụng giảng dạy online để cấp bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận cho người học. Ở Việt Nam nhiều trường đại học cũng đã và đang bắt đầu, thậm chí bắt buộc sử dụng dạy và học online như một tiêu chí để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Do đó, vốn từ một giải pháp tình thế trong đại dịch COVID-19, dạy va học online trở thành cơ hội tốt cho các cơ sở giáo dục, trước hết là các trường đại học, để thúc đẩy nhanh hơn việc áp dụng rộng rãi cách dạy và học tiên tiến này” - TS Vỹ nhận định.
Cần cân nhắc khi triển khai đại trà
Tuy nhiên, theo ThS Huỳnh Minh Tuấn, việc triển khai đại trà toàn bộ chương trình dạy online cần phải được cân nhắc.
“Rất ít chương trình nào online 100% (trừ dạng đào tạo từ xa) mà thường có sự kết hợp giữa dạy online và offline (dạy trên lớp) với tỷ lệ nhất định. Không chỉ trong một môn học mà còn cả chương trình đào tạo (sẽ có tỷ lệ nhất định giữa các môn online và offline, online thường ít hơn). Đồng thời, cũng phải xem xét tới tính chất của môn học khi xây dựng chương trình. Vì có những môn học thiên về thực hành, thao tác thì cần có giảng viên/giáo viên trực tiếp hướng dẫn, làm mẫu... nên sẽ khó có thể dạy kiểu online” - ThS Huỳnh Minh Tuấn lý giải.
Khi dạy và học online được áp dụng rộng rãi, đồng nghĩa với việc phải tính đến các giải pháp để việc dạy học theo hình thức này thực sự có hiệu quả.
Theo PGS.TS Trương Văn Vỹ, mỗi giảng viên phải nhanh chóng tìm hiểu phương pháp dạy và học E-learning, đăng ký tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ và khả năng sử dụng các thiết bi điện tử (computer, laptop, smartphone…), truy cập Internet, mạng không dây (wifi, wimax…), mạng nội bộ (
Thực tế dạy và học online cũng nảy sinh một số bất cập như thiếu sự tương tác trực tiếp giữa người dạy và học, giảng viên khó đánh giá được năng lực của từng học viên, các sự cố liên quan đến an ninh mạng và sở hữu trí tuệ.
Phạm Hồng Thuý, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc học online còn một số bất tiện về giao tiếp với giảng viên. “Khi học online muốn trao đổi với giảng viên chúng mình phải viết bình luận và điều này gây khó khăn hơn giao tiếp trực tiếp vì nhiều khi bình luận sẽ trôi đi và thầy cô không thấy ý kiến của chúng mình” - Thúy chia sẻ.
Còn với Lê Anh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM, thời gian học online vừa qua đã không ít lần gặp trở ngại lớn về mạng Internet. “Mình nhận thấy khi dạy online có lẽ giảng viên cũng khó kiểm soát sinh viên có tham gia học hay không, có thật sự hiểu bài hay chưa. Khi phải ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính để học online khiến mình cảm thấy rất mỏi mắt, cơ thể cũng rả rời” - Lê Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, ThS Huỳnh Minh Tuấn còn chỉ ra khó khăn dễ thấy nhất chính là việc lựa chọn “nền tảng” cho quá trình dạy online. Những nền tảng nào được nhiều người dùng, dễ thao tác, nhiều tính năng, bảo mật... Đó là chưa kể đến các vấn đề như chi phí bản quyền, kỹ năng sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ, phối hợp đồng bộ với các môn học và giảng viên khác...
Về giải pháp, TS Huỳnh Văn Thông, giảng viên Khoa BC&TT Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho rằng nên áp dụng mô hình “blended learning”. “Tức là kết hợp hình thức học trên lớp (offline) với hình thức học online trong một chiến lược hợp lý. Chẳng hạn, một môn học 30 tiết như thường lệ có khoảng 6 buổi học trên lớp, mỗi buổi 5 tiết thì bây giờ có thể là 3 buổi học trên lớp và 5 - 6 lần tương tác online. Đương nhiên là giáo án, học liệu, bài tập và kiểm tra đánh giá sẽ thay đổi. Nhưng tôi nghĩ đó sẽ là cách rất thú vị và hiệu quả” - TS Thông gợi ý.
Ánh Trinh (Bản tin ĐHQG-HCM số 200)
Hãy là người bình luận đầu tiên