Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, tại Tọa đàm “Kế hoạch xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030”, do ĐHQG-HCM tổ chức vào sáng 21/12 tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM (Đinh Tiên Hoàng, Q1).
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như GS Wong Poh Kam - Giáo sư danh dự, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp ĐHQG Singapore (NUS); TS Ricardo Simon Carbajo - Trưởng Trung tâm Đổi mới và phát triển CeADAR, Ireland cùng các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khoa học trong cả nước tham dự.
Quyết tâm xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội của các đảng bộ địa phương như TP.HCM, tỉnh Bình Dương đều nhắc đến vấn đề đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong các chiến lược, hệ thống giải pháp.
Đồng thời, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị do Chính phủ triển khai đã đề cập hai đề án quan trọng. Trong đó, đề án thứ nhất liên quan trực tiếp đến việc phát triển ĐHQG-HCM trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu khu vực và thế giới. Đề án thứ hai là hình thành và đẩy mạnh trung tâm khởi nghiệp ĐMST, trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
“Điều này cho thấy các chủ trương của Đảng và chương trình hành động của Chính phủ đều tập trung vào ĐMST và có những đề án cụ thể hình thành trung tâm ĐMST. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa có một trung tâm ĐMST cấp quốc gia đặt tại tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, tỉnh Bình Dương… Điều này đặt ra trách nhiệm cho ĐHQG-HCM” - Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng ĐHQG-HCM có nhiều lợi thế để xây dựng một trung tâm ĐMST trong khuôn viên của mình.
Trước nhất, lợi thế về kế hoạch và kinh phí xây dựng. Trong Dự án Phát triển Giáo dục đại học Việt Nam do Ngân hàng thế giới tài trợ, ĐHQG-HCM đã có kế hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu tiên tiến và ĐMST với diện tích sàn khoảng 45.000m2 và sẽ khởi công trong năm 2023. Đồng thời, về nguồn nhân lực, ĐHQG-HCM là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, với hơn 80 ngàn sinh viên đại học chính quy, gần 9 ngàn học viên cao học, nghiên cứu sinh.
Tiếp đến là nguồn lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong năm 2022, ĐHQG-HCM đã trở thành đơn vị vươn lên dẫn đầu cả nước về công bố nghiên cứu khoa học và các hoạt động liên quan khoa học. Điều này cho thấy, ngoài tiềm lực về con người, tiềm lực khoa học công nghệ của ĐHQG-HCM rất lớn.
Cuối cùng, lợi thế về vị trí. ĐHQG-HCM nằm trong TP Thủ Đức - một trung tâm đổi mới sáng tạo tương tác cao ở phía Đông TP.HCM. Đồng thời, 2/3 diện tích đất của ĐHQG-HCM đều thuộc địa phận TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Do đó, ĐHQG-HCM là nơi kết nối các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh phía Nam.
Giám đốc ĐHQG-HCM nhận định: “Các điều kiện thuận lợi này là nền tảng quan trọng để phát triển Trung tâm ĐMST ĐHQG-HCM (Innovation Hub), góp phần kết nối mạng lưới các chuyên gia, các hệ sinh thái vùng Đông Nam bộ và TP.HCM. Trung tâm ĐMST này sẽ thúc đẩy các hoạt động ĐMST đạt đẳng cấp khu vực và thế giới, từ đó đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội tại các địa phương”.
Tuy nhiên, để xây dựng Trung tâm ĐMST, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng ĐHQG-HCM phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Theo đó, ĐHQG-HCM chưa có nguồn vốn lớn đầu tư cho con người. Hoạt động hợp tác với doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn. Hiện nay doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở việc tuyển chọn nhân sự, chưa thực sự tham gia, đồng hành cùng các trường đại học trong việc đào tạo sinh viên, đảm bảo sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội; chưa có trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tại Khu đô thị ĐHQG-HCM.
Ông Quân cho biết, một thách thức quan trọng khác là về thể chế. Theo các quy định của pháp luật, người đứng đầu doanh nghiệp đại học không phải là giảng viên, công chức, viên chức. Điểm thắt về cơ chế này là rào cản rất lớn trong việc tạo điều kiện cho các giảng viên đại học tham gia các hoạt động ĐMST, nhất là các hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp.
“Nhận diện các lợi thế cũng như khó khăn này để thể hiện quyết tâm của ĐHQG-HCM trong việc xây dựng Trung tâm ĐMST mang tầm quốc gia, khu vực và là nơi đi đầu về hoạt động ĐMST của Việt Nam” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Phải kết hợp uy tín học thuật và năng lực kinh doanh
Đại diện Tổ chuyên gia Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp ĐHQG-HCM, PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi cho biết, Trung tâm ĐMST ĐHQG-HCM có thể tham khảo các mô hình hiệu quả từ NUS, ĐH MIT của Mỹ hoặc một số đại học ĐMST tại châu Âu - các quốc gia dẫn đầu về ĐMST trên thế giới.
Theo đó, mô hình Trung tâm ĐMST ĐHQG-HCM cần bao gồm hệ thống các yếu tố thể hiện đóng góp hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST mang tầm vóc và sứ mạng ĐMST của một ĐHQG. Việc xây dựng Trung tâm ĐMST ĐHQG-HCM sẽ không chỉ góp phần phát huy vai trò tiên phong, trụ cột, dẫn dắt của ĐHQG-HCM vào hệ sinh thái ĐMST của địa phương, vùng mà còn góp phần hội nhập quốc gia và quốc tế trong giai đoạn 2022-2025.
PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi cho rằng, về cấu trúc, mô hình Trung tâm ĐMST ĐHQG-HCM, gồm một số yếu tố cơ bản.
Đó là thể chế, cơ chế, chính sách, tức các quy định của đặc thù, thí điểm riêng cho ĐHQG trong xây dựng và triển khai các nhiệm vụ tầm vóc quốc gia về ĐMST; kiến tạo môi trường phát triển (thu hút nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp…). Tiếp đến là chiến lược phát triển. Trung tâm ĐMST nên là hệ sinh thái ĐMST mở nhằm khơi nguồn tư duy mới và cần gắn chặt với chiến lược ĐMST của vùng Đông Nam bộ.
Về khả năng lãnh đạo với hệ thống quản trị hiện đại, cần nhận dạng và sẵn sàng trong giải quyết các thành thức của xã hội; kết nối cung cầu, góp phần nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành bằng ứng dụng khoa học công nghệ.
Mặt khác, việc phát triển cơ sở hạ tầng Trung tâm ĐMST cần tương xứng với vai trò, sứ mạng của Trung tâm trong triển khai các nhiệm vụ cấp vùng, quốc gia. Do đó cần kiến tạo các không gian sáng tạo mở, cập nhật xu hướng công nghệ cao trên thế giới; thúc đẩy và mở rộng hợp tác quốc tế trong ĐMST
Cuối cùng là đa dạng hóa khung tài trợ ĐSMT. Ngoài các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần đa dạng hóa các nguồn tài trợ và đầu tư, đặc biệt là từ doanh nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm…
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Trung tâm ĐMST của NUS, GS Wong Poh Kam - Giáo sư Danh dự, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp NUS, cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của ĐH trong hệ sinh thái khởi nghiệm ĐMST của quốc gia là phải đào tạo sinh viên mang tư duy của một doanh nhân.
GS Wong Poh Kam cho biết, NUS đã xây dựng chương trình NUS Overseas Colleges (NOC) nhằm phát triển tài năng kinh doanh cho sinh viên thông qua giáo dục dựa trên trải nghiệm học tập.
Thành lập vào năm 2002, chương trình NUS Overseas Colleges (NOC) đã cung cấp cho sinh viên cơ hội thực tập khởi nghiệp toàn thời gian tại các trung tâm khởi nghiệp sôi động trên khắp thế giới trong một năm. Ngoài ra, sinh viên còn tham gia 1-2 lớp khởi nghiệp tại các trường ĐH đối tác danh tiếng của NUS gồm Stanford, NYUTech, KTH, Tsinghua, Fudan, Univ of Toronto và TUM.
Đặc biệt, NUS còn tổ chức các chương trình đào tạo giáo sư, nghiên cứu sinh và học viên cao học về thương mại hóa công nghệ.
Đó là chương trình 10 tuần phỏng theo chương trình I-Corps của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF), do Giáo sư Wong - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp NUS, giảng dạy và phát triển với sự cố vấn của Giám đốc chương trình I-Corp Hoa Kỳ.
Chương trình này sử dụng phương pháp khởi nghiệp tinh gọn để truyền đạt hiểu biết thực nghiệm về quá trình thương mại hóa công nghệ và thay đổi tư duy của các giáo sư, nhà nghiên cứu và sinh viên sau đại học đối với nghiên cứu và đổi mới. Chương trình bắt đầu tại NUS (2013-2015), sau đó được mở rộng ra cả bốn trường đại học hàng đầu ở Singapore với nguồn tài trợ 5 năm của NSF.
GS Wong Poh Kam nhấn mạnh: “Các đại học phải làm được điều mà mình giảng dạy. Chúng ta muốn đào tạo sinh viên thành các doanh nhân khởi nghiệp nhưng liệu giảng viên của chúng ta có thể trở thành các doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo? Làm được điều này đại học mới thể hiện được vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia”.
Ông cũng lưu ý, để có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới và khởi nghiệp trong khu vực/quốc gia, các đại học cần nhận được sự hỗ trợ của các chính sách công bổ sung và hợp tác với các cơ quan công và tổ chức tư nhân liên quan. Quan trọng hơn, cơ quan phụ trách sứ mệnh phát triển hệ sinh thái đổi mới và khởi nghiệp của trường đại học cần được trao đủ quyền tự chủ và tính linh hoạt, nhất là ban lãnh đạo của cơ quan đó phải kết hợp cả uy tín học thuật và năng lực kinh doanh.
Bài, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên