Sáng 8/1, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cùng đoàn công tác của Ủy ban đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo ĐHQG-HCM. Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM cùng dự.
Báo cáo về hoạt động tài chính của ĐHQG-HCM, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, với quy mô đào tạo được phê duyệt là 65.000 sinh viên, trong các năm 2016, 2017 và 2018, chi phí cho hoạt động phục vụ đào tạo một sinh viên tăng dần, từ 24,83 triệu năm 2016 lên 27,99 triệu năm 2018.
“So với chi phí đào tạo của một số trường cùng nhóm ngành đào tạo trong nước, chi phí này nằm ở mức trung bình” - Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, trong những năm gần đây, phần ngân sách nhà nước được ĐHQG-HCM dành cho đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, các đề tài nhiệm vụ cấp quốc gia… chiếm 20 - 25% tổng kinh phí hoạt động tại ĐHQG-HCM. Trung bình hằng năm, mỗi cán bộ nghiên cứu của ĐHQG-HCM nhận được kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 16 triệu/năm.
“Tuy nhiên, quy định của pháp luật về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập dẫn đến một số cán bộ sử dụng kinh phí của ĐHQG-HCM sau khi nghiên cứu thành công đã tự chuyển giao công nghệ cho các cơ sở tư nhân hoặc công bố khoa học ghi tên địa chỉ nơi công tác không minh bạch” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Kiến nghị với Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng Quốc hội cần có chủ trương tập trung nguồn vốn đầu tư cho một số đại học (Đại học Quốc gia, Đại học vùng...) để sớm trở thành các đại học lớn mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đồng thời, xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng trung ương giai đoạn 2019-2020 để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG-HCM vào năm 2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đánh giá cao những thành tựu của ĐHQG-HCM và nhấn mạnh mô hình ĐHQG đã chứng tỏ sự hiệu quả, thành công của một mô hình giáo dục hiện đại.
“ĐHQG-HCM phải là hạt nhân lan tỏa, đảm nhận trách nhiệm đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ cho nhu cầu phát triển của TP.HCM và cả nước. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương tập trung phát triển ĐHQG, ưu tiên ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện Khu Đô thị ĐHQG-HCM” - ông Nguyễn Đức Hải cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cũng lưu ý vấn đề tự chủ tài chính của ĐHQG-HCM, trong đó chú trọng hoạt động xây dựng thương hiệu, giảm dần sự phụ thuộc ngân sách nhà nước theo lộ trình phù hợp.
Chiều cùng ngày, đoàn Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đến thăm và làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên