Trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế, xếp hạng các trường đại học đặt ra như một đòi hỏi tất yếu của xã hội về quyền được thông tin về chất lượng và hoạt động của trường đại học. “Sống chung với xếp hạng” là một thực tế phổ biến đối với các trường đại học trên thế giới.
Giáo dục đại học Việt Nam nói chung và ĐHQG-HCM nói riêng không nằm ngoài trào lưu đó. Đại học Việt Nam cần xác định vị trí trên bản đồ giáo dục thế giới từ đó định hướng, phát triển các chính sách về giáo dục đại học phù hợp xu thế thời đại và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Xếp hạng đại học đã trở thành một đòi hỏi tất yếu trong việc đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học các trường đại học một cách công khai và khách quan. Xếp hạng đại học và công khai kết quả xếp hạng đại học đối với xã hội là một việc làm có ý nghĩa. Bởi lẽ việc công khai kết quả xếp hạng đại học để hiểu được “chất lượng” thực sự của các trường đại học. Thông qua việc tham gia xếp hạng đại học, các trường cần cải thiện hơn nữa chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Do đó, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học là nền tảng vững chắc để trường đại học tham gia xếp hạng đại học và tham gia xếp hạng đại học phải gắn với mục đích đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng.
Thảo luận tại tọa đàm“Nâng cao hiệu quả công tác xếp hạng quốc tế tại ĐHQG-HCM”, do Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG vào sáng 10/12, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp nâng cao vị thế của ĐHQG-HCM trên QS Asia. Cụ thể:
(1) ĐHQG-HCM cần đẩy mạnh các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và đối tác học thuật.
(2) Nâng cao uy tín và danh tiếng của ĐHQG-HCM với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, đối tác học thuật và xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng bá;
(3) Xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ĐHQG-HCM phục vụ công tác xếp hạng và các hoạt động khác, đảm bảo sự cập nhật thường xuyên và chính xác của dữ liệu;
(4) Rà soát, phân tích đối sánh các hoạt động của ĐHQG-HCM với các Trường đại học trong khu vực Đông Nam Á từ đó xác định phương hướng cải tiến chất lượng hiệu quả;
(5) Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút giảng viên, đặc biệt là giảng viên quốc tế và giảng viên có trình độ tiến sĩ; đẩy mạnh hoạt động trao đổi sinh viên nhằm nâng cao số lượng sinh viên quốc tế đến học tại ĐHQG-HCM cũng như sinh viên ĐHQG-HCM tham gia học tập tại các đại học đối tác trong khu vực và thế giới.
(6) Xây dựng bộ tiêu chí đại học nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực công bố quốc tế; nghiên cứu các chính sách khen thưởng khuyến khích nâng cao số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế trong toàn ĐHQG-HCM.
(7) Xây dựng các giải pháp đồng bộ và hệ thống nhằm tạo được tính thống nhất và toàn diện đối với các tài liệu nghiên cứu, bài viết chuyên đề và kết quả nghiên cứu.
PHAN ANH
Hãy là người bình luận đầu tiên