Ở Việt Nam, ngày 20/11 là dịp đặc biệt quan trọng để thể hiện lòng yêu kính của các thế hệ học trò đối với thầy cô giáo. Năm nay, lần đầu tiên các giảng viên ngoại quốc của Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM bày tỏ cảm nhận của mình về ngày lễ ý nghĩa này.
Thầy Michial, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế:
Ở Mỹ nghề giáo không phải là nghề “thời thượng”
Tôi rất thích giảng dạy với học sinh Việt Nam nhưng không hiểu sao các bạn lại hay ngại ngùng. Cách dạy của tôi có sự khác biệt một chút vì tôi muốn các bạn bày tỏ quan điểm của mình nhiều hơn. Đó là một thử thách rất lớn nhưng bây giờ tôi dường như đã quen với cách học của các bạn sinh viên Việt Nam rồi. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây là năm 2008 khi bắt đầu dạy tại một trường trung học. Đến năm 2011, tôi mới trở thành giảng viên của Trường ĐH KHXH&NV. Thế là tôi đã có 10 năm làm việc tại đất nước này.
Sinh viên Việt Nam rất ham học. Tôi phải thừa nhận! Bởi vì họ luôn muốn cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình mình. Họ cũng rất tôn trọng giáo viên nữa. Một điểm khác với Việt Nam là ở Mỹ nghề giáo không phải một là nghề “thời thượng”. Thực ra, tiền bạc, lương bổng của giáo viên ở Mỹ cũng không cao bằng giáo viên ở Việt Nam và nghề giáo cũng không được tôn trọng bằng.
Tôi rất thích Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để học sinh, sinh viên bày tỏ sự tôn trọng và lòng biết ơn đến giáo viên của mình. Tôi có chia sẻ với một số đồng nghiệp của mình ở Mỹ và họ rất ghen tị bởi họ cũng có ngày Nhà giáo vào tháng 5, nhưng không ý nghĩa như Việt Nam. Chẳng có cựu học sinh nào đến thăm hỏi hay tặng hoa gì, sự khác biệt như thế làm cho Ngày Nhà giáo Việt Nam trong mắt tôi trở nên rất đặc biệt.
Tôi từng tham gia ngày Nhà giáo Việt Nam từ năm 2010, còn được mời phỏng vấn trên truyền hình nữa. Có năm kia tôi vừa dự Ngày Nhà giáo vào lúc 8 giờ sáng tại một trường trung học ở Quảng Trị, chiều hôm sau bay về Khoa Quan hệ Quốc tế để tham dự một ngày lễ nữa mà không hề cảm thấy mệt chút nào.
Tôi muốn gửi lời đến bạn bè và đồng nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam rằng tôi rất thích giảng dạy tại đây. Tôi cũng rất mến các bạn sinh viên - những người thật đáng yêu và có tâm huyết với ngành học của mình.
Cô Hertiki, giảng viên ngành Indonesia, Khoa Đông Phương học:
Indonesia chỉ có ngày Giáo dục 2/5
Tôi mới đến Việt Nam công tác được hai tháng. Chính phủ Indonesia chọn và gửi tôi dạy ngành Indonesia tại Khoa Đông Phương học, Trường ĐH KHXH&NV.
Điều khó khăn nhất khi tôi bắt đầu làm việc tại Việt Nam đó chính là ngôn ngữ. Tôi chưa biết một chữ tiếng Việt nào lúc mới sang. Nhưng sau một thời gian ở đây, tôi đã học được một ít tiếng Việt thông dụng. Như khi đi dạy bằng xe buýt từ cơ sở Thủ Đức đến cơ sở Đinh Tiên Hoàng, tôi phải tập nhớ biển số, và tập phân biệt giữa chúng.
Tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam lúc nào cũng hiếu động nhưng thân thiện và tốt bụng lắm. Khi tôi gặp khó khăn, họ luôn sẵn lòng giúp đỡ. Thỉnh thoảng các bạn cũng nghịch ngợm hay chọc phá giáo viên đủ kiểu.
Kỷ niệm tuyệt vời của tôi gắn liền với buổi lễ đón tân sinh viên vừa rồi ở cơ sở Đinh Tiên Hoàng. Vì mọi người chưa biết nhau nên đây là dịp đặc biệt để tôi có thể làm quen với các bạn nam sinh, nữ sinh trong lớp, cùng giáo viên ngành Indonesia của các bạn.
Khác với Việt Nam, Indonesia không có ngày Nhà giáo riêng mà thống nhất chung với ngày Giáo dục 2/5 thường niên. Họ cũng phân biệt giữa giáo viên dạy trung học và giảng viên dạy đại học là hai nghề thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Ở Indonesia, cũng có nhiều giáo viên Việt Nam nữa. Nhưng họ thường công tác tại Jakarta, chủ yếu là các trường quốc tế. Theo tôi biết, họ là những giáo viên dạy các môn phụ như lịch sử, địa lý…, thỉnh thoảng có dạy cả tiếng Anh.
Ngày Nhà giáo thật sự rất ý nghĩa. Đó là dịp để nhớ ơn thầy cô vì đã dành nhiều công sức, thời gian để giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Những món quà không cần phải đắt tiền nhưng nó vẫn thể hiện sự quan tâm của họ đối với những người làm giáo dục. Tôi rất vui khi được nhận những món quà dù đơn giản như vậy!
Tuy nhiên, các bạn cũng cần phải hiểu ranh giới giữa trong và ngoài lớp. Trong lớp, sinh viên phải nghe theo sự hướng dẫn của tôi nhưng bên ngoài thì chúng ta có thể thoải mái làm điều mình muốn như những người bạn. Họ cũng như người em nhỏ trong gia đình tôi. Cảm ơn các bạn vì đã là sinh viên của tôi.
Cô Sadha Saxena, giảng viên ngành Ấn Độ học, Khoa Đông Phương học:
Sinh viên Ấn Độ không thân thiết với giảng viên
Tôi sang Việt Nam sinh sống cùng chồng từ năm 1987 vì công việc của ông ấy. Năm 2000, Khoa Đông Phương học, Trường ĐH KHXH&NV mở ngành Ấn Độ học nên cần giảng viên dạy tiếng Hindi. Trước đây ở Ấn Độ, tôi đã tốt nghiệp bằng cử nhân sư phạm, lại biết thêm tiếng Anh. Vì vậy, tôi quyết định tham gia giảng dạy tại trường và nhận được sự ủng hộ lớn từ gia đình. Đó là điều tôi cảm thấy rất may mắn vì ở thời điểm đó, hầu hết phụ nữ Ấn không ra ngoài làm việc. Nghĩa vụ của họ là chăm sóc cho gia đình mình, còn việc ra ngoài kiếm tiền là của người chồng, người đàn ông. Thế nhưng, chồng và các con của tôi đều rất ủng hộ công việc của tôi. Điều đó làm tôi có động lực hơn khi đến lớp.
Ngày mai, sinh viên của tôi sẽ đến nhà chơi. Tôi đã hứa nấu cho chúng món cà ri trứng, một món ăn rất phổ biến ở Ấn Độ. Qua nhiều năm gắn bó với sinh viên Việt Nam, tôi nhận thấy một số điểm khác biệt nhất định giữa sinh viên Ấn và sinh viên Việt. Tôi đánh giá cao tính cạnh tranh của sinh viên tại Ấn. Họ dành nhiều thời gian để học và cố gắng đạt được thứ hạng cao. Tuy nhiên, sinh viên Việt thì không có tính cạnh tranh như thế. Họ không quan trọng mình hạng nhất hay hạng hai. Theo tôi, nếu sinh viên Việt Nam có tính cạnh tranh cao như ở Ấn Độ, việc học của họ sẽ tiến bộ và tốt hơn.
Ngược lại, sinh viến Ấn thì không thân thiết và nhiệt tình với giảng viên như sinh viên Việt Nam. Sinh viên Việt Nam dành tình cảm và sự tôn trọng đặc biệt cho giảng viên của mình. Vào những dịp đặc biệt như Tết, sinh nhật cô hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, các sinh viên cũ vẫn nhắn tin và chúc mừng chúng tôi. Ở Ấn Độ dù có Ngày nhà giáo là ngày 5/9 nhưng không có ý nghĩa như Ngày Nhà giáo Việt Nam. Người Ấn có quá nhiều dịp lễ trong một năm, nên ngày Nhà giáo không được tổ chức long trọng.
Tôi vẫn nhớ một lần, sinh viên Việt Nam tổ chức mừng ngày 20/11 cho tôi. Rất nhiều sinh viên tặng tôi hoa, những chậu cây để bàn và thiệp mà họ tự làm và tôi đã có rất nhiều món quà ý nghĩa như vậy. Nhưng điều đặc biệt hơn, hôm đó có một cậu sinh viên đã dịch bài hát Bụi phấn ra tiếng Hindi, rồi hát tặng tôi bài hát ấy trước lớp. Hành động của cậu khiến tôi rất xúc động. Đến tận bây giờ, cô vẫn nhớ rõ lời và giai điệu của bài hát ấy.
Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, tôi mong sinh viên của mình nhanh chóng xác định mục tiêu trong cuộc sống và chú tâm vào nó hơn. Khác với những sinh viên ngành khác, hầu hết sinh viên Ấn Độ học đều không xác định rõ mình muốn gì sau khi tốt nghiệp. Điều đó khiến tôi rất lo lắng. Tôi hy vọng rằng, tôi cùng các đồng nghiệp của mình không chỉ là những người giảng dạy kiến thức cho sinh viên, mà còn là người hướng dẫn sinh viên tìm ra những mục tiêu trong cuộc đời của họ.
KIM QUYÊN - NGUYỄN NHUNG (Bản tin ĐHQG-HCM số 190)
Hãy là người bình luận đầu tiên