Tin tổng hợp

GS.TSKH Đặng Lương Mô – Nhà khoa học đầu ngành, người đặt nền móng cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam

  • 08/05/2025
  • GS.TSKH Đặng Lương Mô – người thầy đáng kính, nhà khoa học uyên bác, người tiên phong trong ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam – đã dành hơn hai thập kỷ đồng hành, đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ của ĐHQG-HCM.

    GS.TS Đặng Lương Mô làm việc tại ĐHQG-HCM. Ảnh tư liệu.
    GS.TS Đặng Lương Mô làm việc tại ĐHQG-HCM. Ảnh tư liệu.

    Đối với ĐHQG-HCM, GS.TSKH Đặng Lương Mô không chỉ là một cố vấn học thuật tận tâm, mà còn là người góp phần hình thành định hướng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ vi mạch – một lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 21.

    Khi trở về Việt Nam vào đầu những năm 2000, Thầy đã chọn Trường Đại học Bách khoa ĐHQG-HCM để khởi xướng những ý tưởng đầu tiên về thiết kế chip “Make in Vietnam”. Với sự hỗ trợ của Thầy, Phòng thí nghiệm Mô phỏng và Thiết kế vi mạch ra đời, mở ra bước đi đầu tiên cho hành trình làm chủ công nghệ bán dẫn trong nước.

    Song song đó, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, GS.TSKH Đặng Lương Mô cũng là người đề xuất và trực tiếp điều hành chương trình sau đại học đầu tiên về thiết kế vi mạch tại đây. Hành trình mời giảng viên, xây dựng giáo trình, tuyển sinh, giảng dạy… đều mang dấu chân của Thầy.

    Năm 2005, Thầy là người sáng lập và giữ vai trò cố vấn cao cấp cho Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch ĐHQG-HCM (ICDREC). Chính từ đây, những con chip đầu tiên do người Việt thiết kế đã ra đời – không chỉ là thành quả về mặt công nghệ, mà còn là biểu tượng của niềm tin, của tinh thần tự lực và khát vọng làm chủ công nghệ cao.

    GS.TS Đặng Lương Mô cùng tập thể ICDREC nhận Giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2014 ở hạng mục Hệ thống các Sản phẩm Công nghệ thông tin Thành công với sản phẩm “Chip vi điều khiển 8-bit thương mại của Việt Nam SG8V1”. Ảnh tư liệu.
    GS.TS Đặng Lương Mô cùng tập thể ICDREC nhận Giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2014 ở hạng mục Hệ thống các Sản phẩm Công nghệ thông tin Thành công với sản phẩm “Chip vi điều khiển 8-bit thương mại của Việt Nam SG8V1”. Ảnh tư liệu.

    Ở bất kỳ vai trò nào – từ nhà khoa học, người thầy, đến người cố vấn – GS.TSKH Đặng Lương Mô đều chọn cho mình cách đóng góp âm thầm nhưng sâu sắc. Thầy không chỉ đưa ra những định hướng chuyên môn quý báu cho ĐHQG-HCM trong công tác nghiên cứu và đào tạo vi mạch, mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động cố vấn, giảng dạy, kết nối và truyền lửa đam mê khoa học cho thế hệ trẻ.

    Với ĐHQG-HCM, Thầy là hiện thân của sự tận hiến và tinh thần khai mở. Những gì Thầy để lại không chỉ là những chương trình giảng dạy, phòng thí nghiệm, hay những con chip đầu tiên – mà còn là nguồn cảm hứng bền bỉ cho các nhà khoa học trẻ, là niềm tin vào con đường tự lực trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao.

    ĐHQG-HCM trân trọng tưởng niệm và tri ân sâu sắc GS.TSKH Đặng Lương Mô - người đã dành trọn đời mình để gieo hạt tri thức, truyền đam mê và khơi mở những chân trời học thuật cho các thế hệ tiếp nối.

    GS.TS Đặng Lương Mô khen thưởng, động viên các kỹ sư của ICDREC. Ảnh tư liệu.
    GS.TS Đặng Lương Mô khen thưởng, động viên các kỹ sư của ICDREC. Ảnh tư liệu.

    PGS.TS Phan Thanh Bình – Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM: “GS Đặng Lương Mô đã đi xa, nhưng nhân cách thì còn ở lại”

    Giáo sư Đặng Lương Mô luôn dành trọn tâm huyết cho khoa học và giáo dục Việt Nam, đặc biệt là ĐHQG HCM. Trước năm 1975, Thầy là giáo sư, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Trường ĐH Bách khoa ĐHQG HCM). Sau năm 1975, Thầy giảng dạy tại ĐH Hosei, Nhật Bản, nhưng vẫn không ngừng đóng góp cho giáo dục đại học Việt Nam.

    Từ năm 2002, khi trở về nước, những cống hiến của Thầy càng trở nên ý nghĩa và sâu rộng. Không chỉ vận động học bổng, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn tại ĐHQG HCM, Thầy còn tư vấn phát triển Khu Công nghệ cao TP.HCM, thúc đẩy công nghiệp vi mạch… và hỗ trợ nhiều trường đại học trong nước.

    Ngoài chuyên môn, Giáo sư Mô còn viết sách về cải cách thời Minh Trị Thiên Hoàng, liêm chính khoa học… Những tác phẩm này không chỉ là tâm huyết của Thầy mà còn là những thông điệp gửi đến những người có trách nhiệm, với mong muốn đóng góp cho sự đổi mới của đất nước.

    Với những đóng góp của mình, Giáo sư Đặng Lương Mô được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Nhưng với Thầy, điều tự hào hơn cả chính là những học trò biết nối tiếp con đường, những đồng nghiệp biết yêu nghề, những người bạn đồng hành chia sẻ niềm tin vào tri thức.

    Thầy đã đi xa, nhưng để lại không chỉ công trình, bài viết, sách vở, mà còn để lại một nhân cách. Một nhân cách trí thức Việt Nam yêu nước, giản dị, sâu sắc, tận hiến cho giáo dục và cho thế hệ mai sau.

    TS Ngô Quang Vinh – Nguyên Phó Giám đốc ICDREC: “Điều may mắn nhất của tôi là được làm việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thầy”

    Từ những năm cuối đại học, tôi đã nghe danh tiếng của Giáo sư Đặng Lương Mô và điều may mắn nhất của tôi là được làm việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thầy suốt gần 20 năm sau khi tốt nghiệp.

    Thầy tỉ mỉ chỉnh cho chúng tôi từng chữ, từng câu tiếng Anh trong các bản báo cáo, bài nghiên cứu và luận văn. Thầy truyền cho chúng tôi ngọn lửa đam mê khoa học và sự nghiêm túc trong từng việc nhỏ – không chỉ trong nghiên cứu, mà cả trong cách sống, cách làm nghề.

    Mỗi tuần, nhóm chúng tôi lại được xoay tua đi ăn trưa cùng Thầy. Đó là khoảng thời gian luôn làm chúng tôi háo hức chờ đợi để nghe Thầy kể chuyện – những câu chuyện giản dị nhưng đầy cảm hứng, phần lớn xảy ra từ trước khi chúng tôi chào đời. Như lần gần đây nhất, Thầy chia sẻ chuyến đi dự họp mặt 60 năm ngày tốt nghiệp tại Đại học Tokyo – nơi khởi đầu hành trình khoa học lừng lẫy của Thầy.

    Thầy không chỉ là người hướng dẫn, mà là tấm gương lớn để tôi – và nhiều thế hệ học trò khác – không ngừng học tập, nghiên cứu và hoàn thiện mình.

    BẢO KHÁNH

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên