Kỳ thi ĐGNL đợt 1 vào sáng 28/3 diễn ra đồng loạt tại 21 cụm thi với 65 địa điểm thi ở bảy địa phương, gồm TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng và hai điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Đây là năm thứ tư diễn ra Kỳ thi ĐGNL này và cũng là đợt thi thu hút đông thí sinh nhất từ trước tới nay với gần 70 ngàn thí sinh tham gia.
Ở đợt 1, khoảng 74.000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ gần 70.000 thí sinh hoàn tất hồ sơ để đủ điều kiện dự thi. Trong bảy địa phương có tổ chức cụm thi, TP.HCM là nơi có đông thí sinh nhất với 14 cụm thi, 35 điểm thi. Tổng số phòng thi gần 1.500 với khoảng 50.000 thí sinh đăng ký dự thi. ĐHQG-HCM phải huy động gần 6.000 nhân sự để phục vụ công tác tổ chức thi.
TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM, cho biết kỳ thi được ĐHQG-HCM tổ chức an toàn và hiệu quả với các biện pháp, phương án phòng chống dịch bệnh COVID-19 tối ưu nhất. Theo đó, trước khi kỳ thi diễn ra, tất cả thí sinh đã phải khai báo trực tuyến các thông tin về tình hình sức khoẻ, lịch sử di chuyển, tiếp xúc theo quy định trên Trang thông tin điện tử của Kỳ thi ĐGNL. ĐHQG-HCM cũng khuyến khích thí sinh cài đặt ứng dụng Bluezone.
ĐHQG-HCM đã tổ chức đo thân nhiệt tại điểm thi và yêu cầu thí sinh đeo khẩu trang trong quá trình dự thi. Điều này áp dụng tương sự cho nhân sự làm công tác tổ chức thi. Các cơ sở y tế tại địa phương có điểm thi ĐGNL đều tham gia hỗ trợ cũng như xử lý các trường hợp y tế đột xuất khi kỳ thi diễn ra. Tại phòng thi, thí sinh thực hiện khai báo y tế, tình hình sức khoẻ, lịch sử di chuyển, tiếp xúc theo quy định trên tờ khai y tế được cán bộ coi thi phát trước thời gian làm bài thi.
“Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới sẽ được ĐHQG-HCM triển khai nghiêm ngặt tại các điểm thi ở TP.HCM, Bến Tre, An Giang và Nha Trang. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho thí sinh và nhân sự làm công tác tổ chức kỳ thi” - TS Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.
Ngoài ra, hàng trăm tình nguyện viên là sinh viên các trường thành viên ĐHQG-HCM đã tham gia hỗ trợ thí sinh vào phòng thi, chỉ đường, chuẩn bị nước uống, khẩu trang và vật phẩm cần thiết.
Các tình nguyện viên còn kiêm “tài xế” chở những thí sinh lạc đường hay nhầm lẫn địa điểm thi. Theo ghi nhận, khá nhiều thí sinh nhầm lẫn giữa Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM và Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM, nhầm giữa cơ sở 1 và cơ sở 2 của các trường ĐH… nên tình nguyện viên nhanh chóng trở thành những “tài xế” tận tình đưa thí sinh đến đúng điểm thi. Đồng thời, các tình nguyện viên còn trò chuyện, tâm sự để giúp phụ huynh bớt lo lắng cho con em mình.
TS Nguyễn Quốc Chính cũng cho biết, đề thi năm nay sẽ ổn định như mọi năm, cấu trúc và độ phân hóa không thay đổi. Ông nói: “Đây là đề thi ĐGNL nên nội dung đề sẽ cung cấp rất nhiều thông tin, thí sinh không cần nhớ quá nhiều, mà quan trọng là thí sinh biết dựa vào những thông tin đề cung cấp để giải quyết vấn đề. Riêng với một vài câu hỏi về hiểu và nhớ, đề sẽ không ra những nội dung mà các thí sinh đã được giảm tải do điều kiện dịch bệnh”.
Kết quả thi ĐGNL đợt 1 được dự kiến công bố một tuần sau khi thi, tức ngày 5/4.
Ở đợt 2, ĐHQG-HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4/5 đến 4/6. Thí sinh có thể dự thi một hoặc cả hai đợt thi, kết quả đợt thi nào cao nhất sẽ được dùng làm căn cứ xét tuyển.
Để xét tuyển vào các đơn vị thuộc ĐHQG-HCM, Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển online qua hệ thống của kỳ thi. Thời gian đăng ký sẽ được ĐH này thông báo sau. Mỗi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. TS đã trúng tuyển nguyện vọng cao rồi thì sẽ không xét các nguyện vọng thấp hơn nữa.
Được biết, tổng số trường sử dụng kết quả này để tuyển sinh là hơn 70 trường ĐH, CĐ. Chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này trong năm 2021 của các trường thành viên ĐHQG-HCM đều tăng lên như Trường ĐH KHXH&NV tối đa 50%, Trường ĐH Bách Khoa dành tối đa 70%…
Hãy là người bình luận đầu tiên