Đó là nhận định của TS Dương Ngọc Dũng - giảng viên Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tại tọa đàm “Bạn đang nghịch gì với đời mình?” do trường đại học này tổ chức ngày 22/2, thú hút hơn 500 sinh viên tham dự.
Mở đầu tọa đàm, TS Dương Ngọc Dũng cho rằng chính chuẩn mực mang tính chất nhất thời đã gông cùm người trẻ vào thực tại được xã hội tô vẻ, khiến đam mê của họ bị dập tắt.
“Phải học kinh tế mới kiếm được nhiều tiền, phụ nữ đến 30 tuổi vẫn chưa kiếm được chồng chỉ là gái ế, là hàng tồn kho… Người trẻ hiện nay dường như luôn lấy thước đo tiền bạc để đong đếm thành công và hạnh phúc. Tôi từng sững sờ vì hàng ngàn người trẻ, đặc biệt là sinh viên hăng hái tham gia những khóa học rất kêu ‘100 ngày tư duy trở thành triệu phú’. Họ cuồng si đến mức tin rằng những hội thảo như vậy là con đường tắt dẫn họ đến thành công” - TS Dũng nhận định.
TS Dương Ngọc Dũng cũng cho rằng nhiều trường đại học đã quên mất việc trang bị những kỹ năng và kiến thức hữu ích, giúp sinh viên hiểu rõ năng lực bản thân và phát triển đam mê của họ. Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của giáo dục không phải là tạo ra những nhân viên làm việc máy móc mà là những con người sở hữu năng lực, sự khôn ngoan và không chút sợ hãi. Mỗi con người đều có khả năng khám phá mình là ai, đang làm gì với đời mình và nhìn nhận các mối quan hệ, công việc”.
Chia sẻ về những trải nghiệm lựa chọn nghề nghiệp, TS Dũng cho biết ông đã chọn thi vào ngành y vì mẹ của ông “quá khao khát” nghề bác sĩ, vốn được đánh giá cao trong xã hội đương thời. Tuy nhiên khi theo học y khoa được một năm, ông nhận ra mình đi sai đường.
“Chúng ta muốn được ổn định cả về tài chính lẫn đời sống. Chúng ta muốn mình luôn được chấp nhận. Chúng ta muốn ở vào địa vị an toàn và vững chắc, muốn được bao bọc và tránh mọi khó khăn, đau đớn, khổ sở. Nỗi lo sợ ngăn cản chúng ta làm bất kỳ việc gì trái ngược với mong muốn của người khác. Chúng ta có xu hướng tuân phục, nghe theo và sao chép hành vi của số đông, bởi sâu thẳm bên trong chúng ta đầy sợ hãi và bất an. Chúng ta luôn được dạy mình nên nghĩ gì chứ không được dạy về cách tư duy, được học cách trốn khỏi nỗi đau nhưng không biết được cách chấm dứt nó” - TS Dũng bộc bạch.
“Làm thế nào để chúng ta có sự lựa chọn đúng đắn nhất?”, TS Dương Ngọc Dũng cho rằng, để có một công việc tốt, trước tiên người trẻ “hãy tìm kiếm sự hiểu biết”. Một khi hiểu được bản thân mình, tự mỗi người sẽ biết cách để có những lựa chọn, những quyết định phù hợp. Sự phù hợp ở đây bao hàm cả niềm vui lẫn hạnh phúc mà bất cứ ai cũng có thể được nhận.
Ông nhấn mạnh: “Không tồn tại bất cứ lộ trình, uy quyền nào có thể đưa đường dẫn lối. Chúng ta có khả năng nội tại để khám phá xem mình là ai, đang làm gì với cuộc đời mình và nhìn nhận các mối quan hệ cùng công việc của bản thân. Hãy soi rọi mình thật rõ ràng hoặc sẽ mãi mãi mắc kẹt với một đám bụi ngôn từ của cuộc sống”.
TS Dương Ngọc Dũng là giảng viên các Khoa Đông Phương học, Triết học tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM. Ông còn là giảng viên thỉnh giảng các môn học môn Quản trị Marketing, Quản trị Nhân sự, Quản trị xuyên văn hóa của của ĐH Quản trị Paris và các chương trình MBA của ĐH Bolton (Anh), ĐH Northwestern (Thụy Sĩ) ở Việt Nam.
Ông còn được biết đến với vai trò là người hướng dẫn Tổng thống Hoa Kỳ - Barack Obama thăm chùa Ngọc Hoàng trong chuyến công du Việt Nam vào năm 2016.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên