Tin tổng hợp

Hội thảo phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long

  • 13/12/2021
  • Ngày 10/12, ĐHQG-HCM đã phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với điểm cầu ĐHQG-HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo.


    Hội thảo đã nhận được 46 bài tham luận của các Bộ ngành trung ương, địa phương, chuyên gia và nhà khoa học. Trong đó, có 4 tham luận được trình bày tại hội thảo gồm: “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” của TS Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Các giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM; “Quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải pháp nhằm phát triển khoa học và công nghệ; nguồn nhân lực; tạo việc làm; chăm sóc sức khỏe người dân và đảm bảo an sinh, xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn 2045” của ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và “Socio-ecological approaches for sustainable development of mega-deltas” của GS.TS Andy Large, Đại học Newcaste, Trưởng Dự án về Living Deltas Hub năm 2019-2024”.

    Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp nhằm phát triển khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khoẻ người dân, đảm bảo an sinh, xã hội và các giải pháp bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL… Đặc biệt, các đại biểu cũng làm rõ các điểm “nghẽn” về cơ chế, chính sách và công tác phối hợp các bộ ngành, địa phương trong triển khai, thực hiện; dự báo về bối cảnh mới trong nước, quốc tế tác động tích cực, tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và chỉ rõ các tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các quan điểm cần được điều chỉnh, các ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên nguồn lực đầu tư và các trục phát triển cơ bản… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Việc tổ chức hội thảo nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ Đề án tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW, từ đó tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, hội thảo cũng giúp các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL xác định lại vị thế và những thách thức đặt ra cho vùng thời gian tới. Ông cho rằng, xác định tầm nhìn và quan điểm phát triển của ĐBSCL phải gắn với những yếu tố mới về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá… Liên kết vùng phải được đặt trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số và biến đổi khí hậu…

    PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, Phó trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, sau khi kết thúc hội thảo, tất cả bài tham luận sẽ được phản biện và chỉnh sửa để xuất bản thành kỷ yếu. Ông Quân gửi lời cảm ơn và cho rằng các Bộ ngành trung ương, địa phương, chuyên gia và nhà khoa học đã đóng góp các ý kiến có giá trị khoa học và thực tiễn cao, đầy tâm huyết và trách nhiệm.

    BẢO KHÁNH

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên