Tin tổng hợp

Hơn 200 năm, Truyện Kiều luôn mới mẻ với người Việt

  • 29/06/2020
  • Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tại tọa đàm “Tiếng Kiều đồng vọng: Một mơ tưởng nguyên tố” do Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức vào sáng 29/6 nhằm tưởng niệm 200 ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du. Hơn 100 học sinh, sinh viên, giáo viên phổ thông và giảng viên đã đến dự.

    Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu thảo luận tại tọa đàm.

    Tiếp cận Truyện Kiều dưới góc nhìn lý thuyết mơ tưởng nguyên tố của triết gia người Pháp G. Bachelard, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng, khi thưởng thức tác phẩm này, ta nên đọc bằng những mơ tưởng nguyên tố của thi ca. Đó là sự khám phá những thi ảnh được ông tập hợp theo một nguyên lý vũ trụ khởi xuất từ bốn nguyên tố lửa, nước, gió và đất.

    Trong đó, lửa đại diện cho ý chí, sáng tạo, hành động, nước gợi mở về sự thuần khiết, thanh tẩy, nội tâm, vui buồn, gió tượng trưng cho lý tính, ý thức, phán đoán và đất thuộc về kinh nghiệm thực tiễn, thể chất, kỹ năng. Tương ứng với mỗi nguyên tố là các mối quan hệ của Kiều với các tuyến nhân vật: quan hệ giữa Kiều và Kim Trọng là nước, Kiều và Thúc Sinh là đất, Kiều và Giác Duyên là lửa, Kiều và Từ Hải là gió. Do hạn chế về thời gian, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết chủ yếu chỉ phân tích Truyện Kiều ở góc độ nguyên tố nước.

    Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, dòng nước hiện ra trong Truyện Kiều như một phối cảnh tâm hồn bao bọc Thúy Kiều và Kim Trọng. Đó là một loạt thi ảnh diễn tiến theo chuyện tình Kim - Kiều: dưới lòng nước chảy, nước ngâm trong vắt, sóng tình, mây mưa, nước dẫy sóng dồi, sông nước cát lầm… và nước ẩn mình trong “chén”: chén xuân tàng tàng, chén thề, chén vàng, chén nước, chén quỳnh, chén cúc, chén mồi, chén đưa, chén mừng

    Kim - Kiều đã gặp nhau “Bên dòng nước chảy trong veo”, và Kiều đã trao duyên cho em mình trong những dằn xé “Rảy xin chén nước cho người thác oan”. Sông Tiền Đường là nơi Kiều kết thúc đời mình, nhưng chính dòng sông ấy đã gột rửa, thanh tẩy 15 năm đoạn trường của Kiều. Và “Một gian nước biếc mây vàng chia đôi”, “gian nước biếc” ấy chình là am mây nước của sư Giác Duyên nơi Kiều được cứu rỗi. Khi Kiều gặp lại Kim Trọng, “Thân tàn gạn đục khơi trong/ Là nhờ quân tử khác lòng người ta”, “gạn đục khơi trong” chính là sự thanh tẩy của nước.

    “Ảnh tưởng nước như thế đã được Nguyễn Du đẩy trôi qua tình yêu Kiều - Kim một cách tinh tế, kỳ diệu. Họ gặp nhau lần đầu bên dòng nước rồi 15 năm sau đó tái hợp bên dòng sông sau khi Kim làm lễ chiêu hồn, cũng như Kiều từng chiêu hồn Ðạm Tiên, cũng như nàng từng muốn Vân - Kim dùng chén nước chiêu hồn mình. Một chén nước lã cho cuộc đoạn trường đầy nước mắt của cái đẹp lưu ly, phản chiếu cả thực tại lẫn người mơ” - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu bình phẩm.

    Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng nếu phân tích Truyện Kiều dưới góc độ xã hội học dung tục sẽ không thể hiểu được những câu thơ trác tuyệt mà Nguyễn Du đã dụng công. Cảnh vật được đại thi hào Nguyễn Du miêu tả trong Truyện Kiều không phải cảnh vật hiện thực mà là tâm cảnh. Ta phải “lân la” trong những phối cảnh tâm hồn của thi ca để cảm nhận tác phẩm một cách sâu sắc và trọn vẹn.

    “Nguyễn Du viết: ‘Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang’. Trước nay, khi phân tích câu này chúng ta vẫn thường nghe nhiều ý kiến cho rằng ‘nét ngài’ là ‘đôi mày’ của Thúy Vân, và ‘khuôn trăng’ ám chỉ ‘gương mặt của nàng Vân’ tròn đầy như mặt trăng. Ta thử hình dung xem, một người phụ nữ với đôi mày rậm, ‘nở nang’ cùng gương mặt tròn trịa như trăng, sao có thể là một người phụ nữ đẹp được. Cách hiểu theo kiểu tả thực này làm Truyện Kiều trở nên thô tục. Tôi cho rằng, ‘nét ngài’ ở đây chính là ‘nét người’ và ‘khuôn trăng’ nên được hiểu là ánh trăng soi bóng vào gương mặt của nàng Vân làm gương mặt thêm diễm lệ” - Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhấn mạnh.

    Chia sẻ quan điểm này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng nếu xem Truyện Kiều mang nhiều âm hưởng của xứ Thanh-Nghệ, chữ dùng “nét ngài” của Nguyễn Du chính là cách nói phương ngữ.

    “Ở xứ Nghệ chúng tôi vẫn luôn giữ cách nói ‘đi mấy ngài’, nghĩa là đi mấy người. Hiểu chữ ‘ngài’ là ‘người’ sẽ mang đến ý nghĩa đầy gợi mở cho câu Kiều này” - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết.

    Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cũng lưu ý, giới nghiên cứu phương Tây khi đọc Truyện Kiều thường có những kiến giải sâu sắc khiến người Việt phải thán phục. Chẳng hạn, trong câu “Duyên xưa đâu dễ biết đâu chốn này”, một nhà nghiên cứu nước ngoài đã nêu lên cách hiểu độc đáo. Đó là sự lo sợ của Kiều nếu gặp lại Kim Trọng. Bởi tái ngộ với Kiều lúc này không phải là điều đáng mong ước. Kim Trọng như trở thành tai họa cho Kiều của hiện tại, vốn đang sống những tháng ngày an lạc nơi am mây nước cùng Giác Duyên.

    “Hơn 200 năm đã qua đi nhưng Truyện Kiều luôn mới mẻ với người Việt. Mỗi lần đọc Truyện Kiều chúng ta lại tìm thấy những suối nguồn tư tưởng độc đáo của đại thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm này” - Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhấn mạnh.

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên