Khoa học công nghệ

Hướng đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo về khoa học, công nghệ

  • 17/10/2021
  • Chiều 16/10 tại TP.HCM, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo phối hợp cùng ĐHQG-HCM tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

    Chủ toạ của hội nghị là Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, tham gia hội nghị có PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đại diện của các trường thành viên ĐHQG-HCM, các nhà khoa học và nhà hoạt động doanh nghiệp.

    Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì hội nghị.

    Thứ trưởng cho biết mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Chỉ số này tổng hợp ba yếu tố: đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được Bộ KH&CN định hướng sẽ hoàn chỉnh với sự có mặt các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các tổ chức trung gian để hỗ trợ về tiêu chuẩn chất lượng, tài sản trí tuệ, định giá công nghệ...

    “Kết nối giữa khu vực nghiên cứu - phát triển, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp là rất cần thiết. Một đứt gãy nằm ở chỗ các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nghiên cứu - phát triển chưa phù hợp với doanh nghiệp, doanh nghiệp thì chưa có nhu cầu đặt hàng viện nghiên cứu, trường đại học. Vấn đề thứ hai hiện rõ trong các báo cáo là trình độ, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp rất thấp, cơ bản chỉ mua máy móc, thiết bị và đưa vào sản xuất, rất hiếm doanh nghiệp có khả năng chủ động, sửa chữa, cải tiến, phát triển công nghệ mới hơn dựa trên cái mình mua về” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy trình bày.

    Theo Thứ trưởng, ta cũng phải kể đến vấn đề thứ ba là ngân sách dành cho khoa học, công nghệ. Khoản chi cho nhân lực, cơ sở vật chất vẫn còn rất hạn chế, kể cả đầu tư. Đó là 3 hạn chế chính của hệ thống khoa học, công nghệ tại Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là vấn đề thiếu sự kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, dẫn đến khoa học, công nghệ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa thật sự mạnh mẽ.

    Góp ý cho dự thảo, GS Võ Văn Tới - Khoa Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM - nhận xét mô hình “3 nhà” là nhà nước - nhà giáo dục - nhà doanh nghiệp trên thực tế rất khó vận hành.

    GS Võ Văn Tới góp ý dự thảo.

    “Những lần chúng tôi ở trường đại học đi gặp doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục họ đầu tư, nhất là ngành thiết bị y tế. Tôi đề xuất trường đại học nên thành lập 3 nhóm tự lực cánh sinh, đảm nhiệm 3 trách nhiệm khác nhau: giảng dạy, nghiên cứu, kinh thầu. “Kinh thầu” có nghĩa là thầu khoán trong kinh doanh, các đại học nên bổ sung nhóm này để tạo thế chân vạc.

    Trong kinh thầu, nên có một nhóm về kĩ thuật chuyên trách xem xét những sáng kiến, sản phẩm tại các trường đại học, biến những sản phẩm mẫu thành sản phẩm trên thị trường. Một nhóm thứ hai phụ trách pháp lí, xuất phát từ trải nghiệm mỗi lần doanh nghiệp quan tâm thiết bị y tế, viễn thông của trường đại học, chúng tôi ngồi lại với nhau nhưng không tìm được hướng ra vì những ràng buộc về pháp lí. Nhóm thứ ba sẽ chuyên trách về kinh doanh, tìm kiếm đối tác để chuyển giao công nghệ. Tóm lại, ta cần đổi mới sáng tạo ngay từ trong trường đại học” - GS Võ Văn Tới đề xuất.

    PGS.TS Võ Văn Sen - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM - nhận xét hiện nay nguồn lực nghiên cứu khoa học tại Việt Nam không nhiều nhưng lại phân tán về cả mặt lực lượng, hệ thống quản lí và cả ngân sách. PGS.TS Võ Văn Sen đề xuất học hỏi các ví dụ quốc tế trong việc tinh gọn, tập trung hệ thống quản lí, nghiên cứu khoa học, công nghệ với giáo dục, văn hoá, theo đó, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội ứng dụng.

    PGS.TS Võ Văn Sen đề xuất một số ý kiến.

    Một số mục tiêu của Dự thảo đến năm 2030:

    Mục tiêu tổng quát:

    KHCN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

    Mục tiêu cụ thể:

    - Duy trì và nâng cao đóng góp của KHCN&ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thể hiện qua đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức 45-50%.
     
    - Tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 nước hàng đầu thế giới.
     
    - Tỉ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1 - 1,2% GDP, trong đó đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm 65 - 70%.
     
    - Số cán bộ nghiên cứu phát triển (quy đổi toàn thời gian) đạt 12 người/vạn dân.
     
    - Hệ thống tổ chức KH&CN được cơ cấu lại theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả. Đến năm 2030 có 60 tổ chức KHCN được xếp hàng khu vực và thế giới, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp, tỉ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.
     
    - Giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN hàng năm tăng mạnh, bình quân đạt 30 - 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
     
    - Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng khoảng hai lần so với năm 2020. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm. Số lượng đơn đăng kí bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%/năm, trong số đó, 1- - 12% được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Tỉ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 - 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ.
     
    - Tỉ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

     

    Tin, ảnh: LÊ CHUNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên