Đại sứ cao cấp Phạm Quang Vinh - Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã nhận định như vậy trong tọa đàm “Những chuyển động mới của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM (Q1) vào sáng 10/6.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) là sự khởi đầu để bảo đảm gắn kết của Mỹ trong tư cách nền kinh tế số một với các khu vực phát triển năng động của thế giới.
“IPEF không giống như các thỏa thuận song phương hay hiệp định thương mại tự do FTA thông thường mà tạo ra không gian đa tầng về kinh tế, đối thoại và an ninh trong khu vực cũng như mở ra nhiều chọn lựa cho các quốc gia” - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đánh giá.
Ông Vinh cho biết IPEF gồm 4 trụ cột chính là tập trung việc thiết lập các quy tắc mới cho thương mại và nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu cũng như nỗ lực ngăn chặn tham nhũng.
IPEF được Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 10/2021. Khuôn khổ kinh tế này được cho là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm can dự và hiện diện mạnh mẽ hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
13 quốc gia tham gia thảo luận để gia nhập IPEF gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
MỸ DIỆP - XUÂN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên