Tin tức - Sự kiện

Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái loài cá heo Ông Sư (Orcaella brevirostris) vùng biển quần đảo Bà Lụa, Kiên Giang - NCS. Cù Nguyên Định

  • 18/08/2022
  • Tên đề tài luận án: Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái loài cá heo Ông Sư (Orcaella brevirostris) vùng biển quần đảo Bà Lụa, Kiên Giang
    Ngành: Sinh thái học
    Mã số ngành: 62420120
    Họ tên nghiên cứu sinh: Cù Nguyên Định
    Khóa đào tạo: 2013
    Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS Bùi Lai, 2. PGS.TS. Nguyễn Thị Nga
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG.HCM 
    1. Tóm tắt luận án 
    Cá heo Ông Sư - Orcaella brevirostris (Owen in Gray, 1866) là loài động vật hoang dã được xếp hạng nguy cấp trên phạm vi toàn cầu bởi Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Luận án này nhằm mục tiêu tìm hiểu một số đặc điểm sinh học, sinh thái học loài cá heo Ông Sư vùng quần đảo Bà Lụa, Kiên Giang hướng tới bảo tồn loài sinh vật biển này ở Việt Nam. Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá: đặc điểm môi trường và phân bố đặc điểm và kích thước quần thể; một số đặc điểm sinh học, dinh dưỡng, sinh lý, sinh hóa và tập tính trong điều kiện nuôi nhốt; xác định một số nguy cơ tác động và đề xuất giải pháp bảo tồn cá heo Ông Sư tại quần đảo bà Lụa, Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 14 biến môi trường với biến dao động độ mặn nước biển có mối tương quan cao tới sự hiện diện của cá heo Ông Sư. Diện tích vùng phân bố thích hợp cho cá heo Ông Sư là 57.357,67 km2 chiếm 47,69% tổng diện tích vùng biển Tây Nam Bộ của Việt Nam. Cá heo Ông Sư phân bố chủ yếu tại khu vực biển ven bờ và xung quanh các đảo từ huyện Kiên Lương đến thành phố Hà Tiên. Kích thước quần thể cá heo dao động 12 – 90 cá thể với mật độ 0,07 – 0,5 cá thể/km2 và kích thước đàn cá heo trung bình dao động 5,71 – 7,77 cá thể/đàn trong thời gian nghiên cứu. Nghiên cứu đã xác định 16 chỉ tiêu hình thái ngoài và xây dựng 48 mô hình tương quan về hình thái của cá heo. Trong đó, mối tương quan giữa chiều dài và cân nặng phản ánh tốt đặc điểm hình thái của cá heo với hệ số tương quan r2 = 0,98. Đã xác định 12 chỉ tiêu sinh lý, 18 chỉ tiêu sinh hóa máu, thành phần thức ăn và các tập tính của cá heo Ông Sư trong điều kiện nuôi nhốt. Lượng thức ăn hàng ngày/khối lượng thân của cá heo có mối tương quan nghịch với giới tính và độ tuổi của cá heo. Bước đầu xác định 4 nguyên nhân tác động đến quần thể cá heo Ông Sư và đề xuất 3 nhóm giải pháp bảo tồn cá heo Ông Sư vùng biển quần đảo Bà Lụa, Kiên Giang. 
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Kết quả của luận án đã cung cấp những dữ liệu đầu tiên về nghiên cứu cá heo Ông Sư ở Việt Nam bao gồm:
    - Các yếu tố môi trường nơi cá heo phân bố và xác định vùng phân bố thích hợp của cá heo Ông Sư vùng biển Tây Nam Bộ của Việt Nam.
    - Những dữ liệu về số lượng cá thể của quần thể, mật độ cá thể, kích thước đàn cá heo Ông Sư theo thời gian tại vùng biển quần đảo Bà Lụa, Kiên Giang.
    - Đặc điểm hình thái ngoài và các mô hình tương quan hình thái; di truyền; đặc điểm sinh lý, sinh hóa máu, và đặc điểm dinh dưỡng; và một số tập tính của cá heo Ông Sư trong điều kiện nuôi nhốt.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Kết quả của nghiên cứu cung cấp những dữ liệu cơ sở quan trọng cho các nghiên cứu cũng như xây dựng các kế hoạch bảo tồn cá heo Ông Sư ở vùng biển Tây Nam Bộ, Việt Nam như xây dựng vùng bảo tồn, bảo tồn tại chỗ hoặc chuyển chỗ cá heo Ông Sư.
    Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu: 
    - Nghiên cứu xây dựng vùng bảo tồn cá heo Ông Sư tại vùng biển Tây Nam Bộ, Việt Nam. 
    - Nghiên cứu đánh giá vùng phân bố của cá heo Ông Sư theo mùa và dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
    - Nghiên cứu giám sát xu thế biến động quần thể cá heo theo thời gian.
    - Nghiên cứu khả năng sinh sản của cá heo ngoài tự nhiên và trong điều kiện nuôi nhốt.
    - Nghiên cứu bệnh học và chăm sóc thú y cá heo Ông Sư ngoài tự nhiên và trong điều kiện nuôi nhốt.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên