Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và PGS.TS Montira Rato, Khoa Văn học Nghệ thuật Trường ĐH Chulalongkom (Thái Lan) vừa có buổi tọa đàm Đối thoại văn học Việt Nam - Thái Lan vào sáng 15/12, tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, thu hút gần 500 sinh viên tham dự.
PGS.TS Montira Rato cho biết việc dịch tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh qua tiếng Thái đã giúp bà hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, một đất nước mà con người vẫn giữ nguyên lòng tự hào với những chiến công cha ông cùng nhiều điều thú vị. Bên cạnh việc nghiên cứu, bà rất quan tâm đến việc giảng dạy văn học Việt Nam ở Trường ĐH Chulalongkom.
PGS.TS Montira Rato chia sẻ: “Việc chuyển nghĩa của từ sao cho truyền tải hết thông điệp của nhà văn là một nghệ thuật, không đơn giản chiếu tất cả những gì có trong một cái gương này sang toàn bộ cái gương kia. Phải dịch làm sao trong hoàn cảnh đó, người đọc có thể hiểu được văn hóa đó, ngôn ngữ đó”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự: “Người ta chỉ làm tốt trên một lĩnh vực. Tôi cũng vậy, tôi thuộc về miền ký ức tuổi thơ. Mỗi nhà văn đều có một vùng quê hương, khi đụng chạm đến tuổi thơ, đầu óc tôi hiện ra bao nhiêu ý tưởng và cảm xúc. Khi sáng tác Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nguồn cảm hứng cho tôi chính là những gì về cuộc sống khi nhỏ của chính mình”.
Ông Ánh cho biết thêm, viết về tuổi thơ là đánh thức phần tươi hồng có sẵn trong tâm hồn con người. Văn chương không chỉ thỏa mãn mỹ cảm mà còn là phương tiện để người đọc khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia và yêu mến một dân tộc. Từ nhỏ, chỉ vì yêu những nhân vật trong văn chương nước Pháp, Mỹ rồi Nga mà ông luôn khao khát một lần đến được những nước đó. “Sách làm nhân vật này yêu mến một đất nước khác, nên công việc của một dịch giả rất quan trọng. Cô Montira Rato là một nhà ngoại giao nhân dân, thông qua văn học khiến nhân dân của nước này và nước khác giao lưu với nhau nhiều hơn” - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhấn mạnh.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tỏ ra tiếc nuối khi việc dịch văn học Đông Nam Á còn khá ít, khiến khoảng cách những người hàng xóm khá xa. Ông mong muốn có một nhà xuất bản sẽ làm một tác phẩm Đông Nam Á phát hành ở các nước ASEAN bằng thứ tiếng của mỗi nước.
Tin, ảnh: HOÀNG QUYÊN
Hãy là người bình luận đầu tiên