Ban ngày miệt mài trên giảng đường và trong phòng nghiên cứu, buổi tối ra sức học ngoại ngữ - đó là cuộc sống thường nhật suốt 8 năm qua của ông Nguyễn Vinh Quan khi theo đuổi con đường học tiến sĩ lúc ngấp nghé tuổi 50.
TS Nguyễn Vinh Quan (57 tuổi) là người lớn tuổi nhất trong số 14 tân tiến sĩ được trao bằng tại Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM cuối tháng 11/2020. TS Quan hiện là giảng viên Bộ môn Điện công nghiệp, khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Đồng thời, ông cũng tham gia hướng dẫn phòng thí nghiệm Hệ thống năng lượng tại Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM.
Ước mơ ấp ủ từ năm 20 tuổi
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp ngành điện tử Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, ông Quan trở thành giảng viên Trung tâm điện tử và máy tính của trường này. Ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành tự động hóa của Trường ĐH Bách Khoa vào năm 2003. Ở độ tuổi hơn hai mươi, sau một thời gian đứng trên bục giảng, người giảng viên trẻ dần nhận ra kiến thức bản thân chưa đủ nhiều để truyền đạt cho sinh viên. Lúc đó, ông bắt đầu nung nấu ý định học lên cao, nhưng vì điều kiện kinh tế lẫn thời gian, mọi việc đành tạm gác lại.
Trong quãng thời gian hơn 20 năm sau đó, bên cạnh giảng dạy, ông dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu để chuẩn bị vững vàng kiến thức nền. Đến năm 2012, khi đã gần 50 tuổi, ông Quan trúng tuyển nghiên cứu sinh chuyên ngành mạch và hệ thống điện, tiếp tục con đường học vấn đã ấp ủ từ thời trẻ. Do tuổi tác cộng với việc phải tốn nhiều thời gian tìm ra giải thuật mới trong công trình nghiên cứu, ông mất tới 8 năm để hoàn thành chương trình tiến sĩ thay vì 3 năm như thông thường.
“Học suốt 8 năm, gần như lúc nào cũng stress cả, stress vì nghiên cứu hoài vẫn chưa ra. Nhưng mà chưa bao giờ tôi có ý nghĩ mình sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Những lúc đó, tôi sẽ không vào phòng thí nghiệm tầm một tuần, không nghĩ đến nó nữa, cho đầu óc nghỉ ngơi rồi lại học tiếp. Đi đến bước này thì… tội gì bỏ” - TS Quan cười nói.
“Học suốt 8 năm, gần như lúc nào cũng stress cả, stress vì nghiên cứu hoài vẫn chưa ra. Nhưng mà chưa bao giờ tôi có ý nghĩ mình sẽ bỏ cuộc giữa chừng”.
TS Nguyễn Vinh Quan
Để tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, khó khăn lớn nhất của ông Quan là đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Trong 8 năm đó, kiên trì đến lần thi thứ 12, ông cuối cùng đạt 510 điểm TOEFL (yêu cầu tối thiểu 500 điểm). Những lần thi gặp phải chủ đề như y học, vũ trụ... với nhiều từ vựng lạ khiến ông rất bối rối. Không bỏ cuộc, ông về mày mò học từ vựng, mua băng đĩa luyện nghe. Ông cười: “Học tiếng Anh chừng một tiếng là nhức cả đầu, nên tôi không ép mình, mỗi ngày cứ học một ít, rồi dần dần ra trung tâm luyện thi. Ở trung tâm đa phần là các bạn trẻ, nhưng tôi cũng chẳng ngại gì đâu”.
Chia sẻ về đồng nghiệp, TS Trần Quang Thọ - Giảng viên Khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, bày tỏ: “Vừa là đồng nghiệp vừa là anh em thân thiết, tôi thật sự nể thầy Quan ở tính kiên trì, chịu khó. Ở tuổi này mà thầy vẫn tiếp tục học, còn vượt qua rào cản ngoại ngữ nữa. Quả là đáng khâm phục”.
Sinh viên là động lực lớn nhất
Sinh ra trong gia đình có truyền thống sư phạm, có ông nội và các chị đều theo nghề giáo, TS Quan tự thấy bản thân hiển nhiên gắn liền với nghề “trồng người”.
Có nhiều người khuyên ông tuổi đã lớn, học thêm nữa cũng chỉ lãng phí. Nhưng với TS Quan, việc học hành không phải vì tấm bằng tiến sĩ hay mong mỏi danh lợi. Ông tâm niệm chỉ khi có thật nhiều kiến thức và kinh nghiệm để truyền đạt cho sinh viên thì mình mới làm tròn bổn phận người thầy. TS Quan chia sẻ: “Động lực lớn nhất chính là sinh viên. Thấy nó không chịu học, mình la nó, cho nó điểm thấp thì nó buồn. Vậy nên mình phải học, để cho tụi nó thấy già rồi vẫn học được, huống hồ là trẻ”.
“Động lực lớn nhất chính là sinh viên. Thấy nó không chịu học, mình la nó, cho nó điểm thấp thì nó buồn. Vậy nên mình phải học, để cho tụi nó thấy già rồi vẫn học được, huống hồ là trẻ”.
TS Nguyễn Vinh Quan
Với nhiệt huyết đó, hơn 20 năm đứng trên bục giảng, ông là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò.
“Một trăm sinh viên trong khoa thì đã hết chín mươi chín sinh viên yêu quý thầy Quan rồi. Ở thầy có sự phóng khoáng của người miền Nam, thương sinh viên lắm. Biết thầy đã hoàn thành chương trình tiến sĩ sau hành trình 8 năm, mình vô cùng ngưỡng mộ. Thầy thật sự là tấm gương sáng và là động lực cho những người trẻ như mình” - anh Nguyễn Văn Huấn, sinh năm 1985, cựu sinh viên Khoa Điện - Điện tử, cho hay. Bởi vậy dù đã tốt nghiệp hơn 10 năm và về tỉnh làm việc, anh Huấn vẫn giữ liên lạc với thầy Quan. Những lúc có dịp vào Sài Gòn, hai thầy trò đều hẹn gặp nhau tâm sự.
Chia sẻ về thành quả lớn nhất khi đeo đuổi việc học tập, TS Quan cho biết rõ ràng nhất là hiệu quả giảng dạy thay đổi tích cực, sinh viên lắng nghe ông và chăm học hơn. “Hồi đó mình nói nó tin khoảng 80% thôi, giờ chắc cỡ 99% rồi” - ông cười.
Với TS Quan, tuổi tác chưa bao giờ là lý do cản trở việc học tập. Ông không cho rằng người lớn tuổi không học được chỉ vì thiếu nhanh nhạy như lúc trẻ. Dù già hay trẻ, càng học sẽ càng biết nhiều hơn, càng minh mẫn hơn nữa.
Nhìn lên hành trình phía trước, TS Quan tâm sự: “Trước mắt, tôi thấy mình đã đủ phần nào kiến thức rồi, có cái mới thì cứ cập nhật liên tục. Nếu cần thiết thì tôi cũng có thể học thêm vài năm để còn có cái mà truyền đạt cho sinh viên nữa chứ”.
Tìm ra những giải thuật đầu tiên trên thế giới Từ công trình nghiên cứu “Điều khiển thích nghi bền vững cho động cơ không đồng bộ 3 pha”, TS Nguyễn Vinh Quan đã tìm ra 3 giải thuật về biến tần, 3 giải thuật về điều khiển động cơ. Những giải thuật này không trùng lặp với bất kỳ công bố nào trước đó của thế giới. Kết quả nghiên cứu trên được ông thể hiện trên các công bố quốc tế, một bài đang trong quá trình phản biện. Hiện ông vẫn tiếp tục con đường nghiên cứu để có thêm nhiều phát hiện mới mẻ. |
MAI NGÔ (Bản tin ĐHQG-HCM số Xuân 2021)
Hãy là người bình luận đầu tiên