Hội thảo

Quy chuẩn đạo đức phải được chuyển hóa trong chương trình học

  • 10/07/2020
  • Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM tại hội thảo “Bàn về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, giảng viên và người học trong ĐHQG-HCM” do Đảng ủy ĐHQG-HCM phối hợp Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức vào sáng 10/7.

    PGS.TS Vũ Hải Quân thảo luận tại hội thảo.

    Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, nền giáo dục nước ta từ tiểu học đến phổ thông đều được thiết kế môn học đạo đức trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, ở bậc đại học, chương trình đào tạo cho sinh viên gần như thiếu vắng môn học này.

    “Giáo dục đại học là giai đoạn giáo dục bậc cao, chúng ta không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng cho sinh viên mà còn tăng cường bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức trong học tập, nghiên cứu và sinh hoạt cho các em. Sinh viên là những trí thức được đào tạo trong môi trường tự do học thuật, các em phải biết nhìn thẳng, nói thật” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

    Khảo sát các giá trị cốt lõi của nhiều đại học lớn trên thế giới, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, các giá trị này đều liên quan mật thiết với những quy chuẩn đạo đức học đường. Đơn cử, hai giá trị cốt lõi của ĐH Harvard là tôn trọng quyền, sự khác biệt và nhân phẩm của người khác và tính trung thực, liêm chính trong mọi việc làm. Các giá trị cốt lõi này là cơ sở định hướng cho toàn bộ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của ĐH Harvard.

    “Việc tạo lập các chuẩn mực đạo đức cho sinh viên không nên quá ôm đồm, nặng về lý thuyết mang tính áp đặt đối với các em. Hơn hết, các chuẩn mực đạo đức này phải được chuyển hóa trong chương trình đào tạo, là nền tảng định hình tác phong trong việc học và nghiên cứu của sinh viên. Nếu chúng ta chỉ nêu ra các chuẩn mực, chúng ta mới đi được một nửa chặng đường” - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM lưu ý.

    TS Lê Hữu Phước - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, cho biết hội thảo nhằm làm rõ nội hàm của các khái niệm đạo đức, chuẩn mực đạo đức, vai trò của đạo đức trong môi trường giáo dục đại học. Theo đó, chuẩn mực đạo đức là các quy tắc đạo đức được xã hội thừa nhận và là mục tiêu, định hướng cho hoạt động của mọi cá nhân trong xã hội. Chuẩn mực đạo đức được thể hiện thành những quy tắc của các nhóm cá nhân hoặc của các tổ chức.

    “Ở cấp ĐHQG, có thể thấy rõ sự quan tâm đến những vấn đề đạo đức trong công tác và học tập của cả 3 nhóm đối tượng cán bộ, giảng viên và sinh viên. Một mặt, ĐHQG-HCM bám sát những nội dung về đạo đức được quy định trong hệ thống văn bản pháp quy từ cấp trung ương, thành phố để làm căn cứ thực hiện các quan hệ ứng xử trong hoạt động của mình. Mặt khác, ĐHQG-HCM chú trọng các khía cạnh đạo đức nghề nghiệp được thể hiện qua các quy chế, quy định về đào tạo, NCKH và các quy định khác” - TS Lê Hữu Phước trao đổi.

    Toàn cảnh hội thảo.

    Tại phiên toàn thể, hội thảo đã lăng nghe nhiều tham luận đặc sắc như Hệ thống chuẩn mực đạo đức của cán bộ, giảng viên và người học tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (ThS Võ Văn Trọng - Trường ĐH Kinh tế - Luật), Giải pháp xác lập và kiểm soát chuẩn mực đạo đức của người dạy và người học tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG HCM (PGS.TS Lê Quang Trường - Trường ĐH KHXH&NV), Phân tích thực trạng nhận thức của sinh viên về chuẩn mực đạo đức trong bối cảnh xã hội hiện nay (Bà Phùng Thị Diệu Hương - Bí thư Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM) và Yêu cầu về chuẩn mực đạo đức và một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng, phát triển đạo đức sinh viên tại Trung tâm Quản lý Ký túc xá giai đoạn hiện nay (ThS Tăng Hữu Thủy - Giám đốc TT QL KTX ĐHQG-HCM).

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên