Địa phương

Sinh viên ĐHQG-HCM tham gia phát triển địa phương giàu đẹp

  • 25/12/2023
  • Trong buổi lễ ra quân Mùa hè Xanh 2023 tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, nhấn mạnh trong 28 năm qua, sứ mạng và giá trị cốt lõi của ĐHQG-HCM là luôn gắn kết cộng đồng và Chiến dịch tình nguyện Mùa hè Xanh của sinh viên ĐHQG-HCM là một trong những hoạt động nhằm thực hiện sứ mạng đó.

    Tinh thần thanh niên xung kích trên mọi mặt trận 

    Khoảnh khắc một cụ ông lớn tuổi đi từng bước từ đầu bên này sang đầu bên kia cây cầu U và mừng rỡ ôm chầm lấy người bạn già của mình đã in sâu trong ký ức của những người có mặt tại buổi lễ khánh thành cầu U - một trong những cây cầu trong Chiến dịch Mùa hè Xanh của Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM được xây dựng vào năm 2003 tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Có thể nói, nhiệm vụ tham gia kiến tạo địa phương giàu đẹp của những chiến sĩ Bách Khoa đã bắt đầu từ đó. 

    Trong Chiến dịch Mùa hè Xanh năm 2023, có đến 4.300 sinh viên ĐHQG-HCM khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện. Là một trong những ngọn cờ tiên phong trong hoạt động này từ những mùa đầu tiên, Trường ĐH Bách Khoa tiếp tục phát huy truyền thống ở Mùa hè Xanh lần thứ 33 với hơn 1.000 chiến sĩ đến 4 mặt trận, gồm TP.HCM, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Bình Thuận và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

    Lễ ra quân Xuân tình nguyện 2023.

    Lật lại những trang truyền thống sôi nổi của chiến dịch, tính đến nay, chiến sĩ Mùa hè Xanh Bách Khoa đã đến với 3 huyện của tỉnh Đồng Tháp, 6 huyện của tỉnh Bến Tre, 5 huyện của tỉnh Trà Vinh, đóng góp gần 273km tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa và thắp sáng, xây dựng 310 cây cầu bê tông; trao tặng 366 ngôi nhà tình thương, 52 bộ lọc nước, 8 trường mẫu giáo, 5 nhà văn hóa cho địa phương… với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. 

    Những con số này là minh chứng sống động về vai trò sáng tạo, xung kích của tuổi trẻ Bách Khoa và đội ngũ tình nguyện viên ĐHQG-HCM nói chung trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn. Tại những vùng quê khó khăn mà các chiến sĩ đóng quân, mỗi cây cầu, mỗi mét đường bê tông mới đều mang lại giá trị thiết thực. Ông Lê Văn Sơn, nguyên Chủ tịch UBND xã Long Mỹ khẳng định cây cầu U mở ra một bước ngoặt mới để phát triển kinh tế xã - hội cho địa phương. “Cây cầu gần 20 tuổi nhưng vẫn chắc chắn. Người dân nơi đây biết ơn các em sinh viên tình nguyện năm ấy lắm”, ông Sơn xúc động chia sẻ. Tin rằng không phải mỗi cây cầu U, cũng chẳng phải mỗi người dân xã Long Mỹ, mà ở bất cứ nơi nào mà dấu chân tình nguyện Bách Khoa đi qua, đều để lại những dấu ấn khó phai.

    Hoạt động tình nguyện làm sinh viên tử tế và tinh tế hơn

    Ở Trường ĐH Bách Khoa, các phong trào xã hội như Mùa hè Xanh chính là môi trường giáo dục đoàn viên, thanh niên về tư tưởng, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, rèn luyện bản lĩnh chính trị.

    PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường,  khẳng định: “Thật thiếu sót nếu không nhắc đến sự trưởng thành của sinh viên tham gia. Chúng tôi xem đây là trường học thực tiễn bổ sung nhiều bài học quý, là một trong những phương pháp rèn luyện sinh viên và cả cán bộ, giảng viên của trường qua từng công việc cụ thể tại mỗi địa phương mà nhà trường đóng quân”.

    Các bạn sinh viên đã trải qua một “học kỳ hè” thật sự ý nghĩa, thiết thực, được “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân theo phương châm “Ở dân thương - Làm dân tin - Đi dân nhớ!”. Đặt mình trong hoàn cảnh khác so với thường ngày, các bạn sinh viên cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với người dân, thấu hiểu được những vất vả của họ, từ đó học cách cống hiến cộng đồng với tất cả nhiệt tình, tâm huyết. 

    Dù không mấy xa lạ với công việc tay chân, bạn Mai Tấn Sĩ (Đội trưởng đội hình Khoa Kỹ thuật Giao thông mặt trận xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) khá bỡ ngỡ khi lần đầu tiên vác đá, vác cát, trộn bê tông... Nhưng những mệt nhọc này nhanh chóng qua đi khi Sĩ hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân, được hái sen, bắt chuột và dọn đồng. “Đây là một trải nghiệm khá thú vị đối với một đứa con miền núi như mình” - chàng thanh niên tình nguyện chia sẻ.

    Sinh viên ĐHQG-HCM không ngại khó, không ngại khổ trong chiến dịch tình nguyện.

    Tấn Sĩ nhìn nhận hoạt động tình nguyện là hành trang cần thiết cho các bạn sinh viên. “Lý thuyết có nhiều đến mấy cũng không bằng việc học hỏi từ những câu chuyện thực tế, càng đi nhiều càng rút ra bài học về cách nhìn đời, nhìn người từ đó thay đổi tư duy của bản thân cũng như trau dồi kỹ năng mềm. Đặc biệt, các hoạt động tình nguyện làm sinh viên tử tế và tinh tế hơn. Chúng mình được lắng nghe nhiều câu chuyện, thấu hiểu nhiều hoàn cảnh và nuôi dưỡng tình cảm sâu sắc hơn” - Tấn Sĩ bộc bạch.

    Cùng với sự hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ của sinh viên, các phong trào tình nguyện bắt đầu đa dạng về phương thức, địa điểm tổ chức. ĐHQG-HCM đã có định hướng cho ra đời đội hình tình nguyện mới, trong đó tập trung sinh viên có chuyên môn thuộc các ngành học khác nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp từ các trường thành viên. 

    Trường ĐH Bách Khoa - với vai trò là lá cờ đầu trong các hoạt động tình nguyện - luôn sẵn sàng tiếp tục cùng ĐHQG-HCM và các trường thành viên phủ xanh màu áo tình nguyện trên mọi nẻo đường.

    Bài, ảnh: NGUYỄN NHƯ QUỲNH

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên