Khoa học công nghệ

Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa nâng cao giá trị mật ong bằng phương pháp hạ thủy phần

  • 11/01/2022
  • Nhóm Bee Innovative gồm các sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM: Hoàng Bá Khôi, Nguyễn Hồng Phước, Võ Minh Tâm, Nguyễn Phương Hạnh (khoa Hóa học) và Nguyễn Quý Khôi (Khoa Cơ khí) dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Đình Quân (PTN Nhiên liệu Sinh học và Biomass) đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị cô quay chân không kết hợp hấp phụ hơi nước bằng zeolite nhằm tách nước khỏi mật ong, nâng cao chất lượng và giá trị thương mại.

    Theo PGS.TS Nguyễn Đình Quân, mật ong là một sản phẩm dinh dưỡng tự nhiên có giá trị cao và tiềm năng sản lượng dồi dào cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn chung trên thị trường thế giới, hàm lượng nước trong mật ong (thủy phần) phải thấp hơn 18%KL. Con số này không chỉ đảm bảo chất lượng mật ong mà còn là ngưỡng thủy phần cao nhất có thể giúp mật ong không bị lên men, hư hỏng. Trong khi đó, Việt Nam với đặc trưng khí hậu nóng ẩm, nhất là vào mùa mưa, mật ong thường có thủy phần cao hơn 22%. Do đó bị mất giá trị thương mại cũng như bị đánh giá chất lượng thấp.

    “Để giải quyết việc này, mật ong thường phải được loại bỏ thủy phần bằng các phương pháp cô đặc bốc hơi nước. Tuy nhiên, tách nước khỏi mật ong theo phương pháp này sẽ khiến mật giảm chất lượng kèm theo các yêu cầu rườm rà khiến hệ thống thiết bị trở nên phức tạp, đắt tiền, khó bảo trì, bảo dưỡng” - Ông Quân cho biết.

    Được PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa gợi ý về ứng dụng vật liệu zeolite vào sản xuất, nhóm đã nghiên cứu và phát minh thiết bị cô quay chân không kết hợp hấp phụ hơi nước bằng zeolite.

    Đây là một loại vật liệu có khả năng hấp phụ cực mạnh với tốc độ hấp phụ cao, ngay cả trong điều kiện áp suất chân không và độ ẩm tương đối thấp. Về nguyên lý, thiết bị gồm 2 khoang thông nhau và được hút chân không một lần rồi đóng kín cô lập kết nối bên ngoài, không cho không khí lọt vào.

    PGS Nguyễn Đình Quân nói: “Một khoang chứa mật ong, một khoang chứa zeolite. Nước liên tục bốc hơi từ khoang mật ong để hấp phụ vào zeolite ở khoang bên kia. Tốc độ bốc hơi nước được gia tăng bằng việc quay cả hai khoang để mật ong được tráng mỏng lên thành bình. Với mô hình mẫu thử nghiệm, 1 lít mật loãng thủy phần 24% có thể được hạ thủy phần xuống 18% chỉ trong 2 tiếng đồng hồ vận hành với chi phí năng lượng chỉ trong khoảng 1.000 đồng”.

    So với các thiết bị có mặt trên thị trường, thiết bị cô quay chân không kết hợp hấp phụ hơi nước để hạ thủy phần mật ong của Biomass Lab  đã tiết kiệm chi phí bơm chân không vì chỉ bơm trong thời gian rất ngắn ban đầu (khoảng vài phút). Đồng thời hệ thống không cần các thiết bị bẫy lạnh hơi nước đắt tiền và có thể vận hành lâu mà không tốn thêm năng lượng (trừ việc quay khoang mật ong để tăng tốc độ bay hơi). Đặc biệt, vật liệu hút ẩm zeolite có giá thành khá rẻ và có thể tái sinh vô số lần.

    Hiện, nhóm đã đăng ký thành công quyền sở hữu trí tuệ với thời gian chấp nhận chỉ trong 20 ngày.

     

    PGS.TS Nguyễn Đình Quân chia sẻ: “Thiết bị này có thể được chế tạo ở quy mô lớn hơn để phục vụ sản xuất thực tế và sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Sáng chế của nhóm giúp cho việc tách nước khỏi mật ong hiệu quả hơn cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế, nâng cao giá trị của mật ong Việt Nam”.

    THIÊN DI

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên