Gần 400 sinh viên, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tham dự buổi trò chuyện của TS Đặng Hoàng Giang - tác giả Thiện, Ác và Smartphone về chủ đề “Sức mạnh của sự điềm tĩnh” tại cơ sở 1 của trường, sáng 27/6.
Theo TS Giang, có ba kiểu chân dung tiêu biểu cho những người giận dữ: người bị nung nấu bởi cảm giác bất lực (trong lòng bị tổn thương, bị ám ảnh bởi sự phi thực tế), người phẫn nộ do kinh tởm và sinh ra thái độ căm ghét, cứng nhắc và người phẫn nộ do cảm giác chủ quan nghĩ rằng mình bị làm nhục.
“Nguyên nhân giận dữ là do người ta muốn che đi sự tức giận, tổn thương bên trong, trút giận để hả giận, để bảo vệ sự kiêu hãnh của bản thân. Cơ chế dẫn đến giận dữ ở một người giống như khi que diêm được bật lên, hành vi bị kích hoạt bởi những biểu hiện bên ngoài của người khác, dẫn đến sự bùng nổ” - TS Giang nhấn mạnh.
Tác giả của Thiện, Ác và Smartphone cũng lưu ý rằng, trái với giận dữ, điềm tĩnh là sự cương quyết đanh thép, minh mẫn và thuyết phục. Sự điềm tĩnh là biết kết hợp giữa trí tuệ và cảm xúc, thể hiện cảm xúc có kiểm soát, có năng lực nắm bắt cảm xúc, tức thấu hiểu người khác. Điềm tĩnh giúp chúng ta vượt qua được biến cố và giúp người khác vượt qua khủng hoảng.
Để thoát khỏi sự giận dữ, TS Giang cho biết có năm bước khả dĩ. Một, ta phải thú nhận rằng ta đang ở trong tù. Hai, ta phải học cách thể hiện sự bất bình có kiểm soát. Ba, khước từ lời mời trở nên giận dữ bằng cách không bật que diêm hoặc làm ướt ngòi pháo; luyện tập kéo dài thời gian giữa cảm xúc và hành vi. Bốn, phải có thái độ nền tảng, tạo cảm giác sống dựa trên niềm tin, sự yêu thương. Và năm, cần loại bỏ những cây giận dữ bằng cây niềm vui, thay cây bi quan bằng lạc quan.
Tin, ảnh: HOÀNG QUYÊN
Hãy là người bình luận đầu tiên