Hoạt động xã hội

Triển khai chương trình cho sinh viên vay ưu đãi để học tập

  • 06/10/2020
  • Ngày 25/9, ĐHQG-HCM ra mắt chương trình cho sinh viên vay vốn ưu đãi để học tập tại ĐHQG-HCM. Theo đó, Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM (VNU-F) phối hợp với Ngân hàng BIDV triển khai chương trình cho vay tín chấp dành cho sinh viên đang theo học tại ĐHQG-HCM.

    Điểm đặc biệt của chương trình này so với các quỹ tín dụng sinh viên khác là sinh viên vay vốn không phải chịu lãi suất (lãi suất là 0%). VNU-F hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay từ nguồn tài trợ của chương trình trong thời hạn 8 năm.

    Sinh viên vay 8 năm với lãi suất 0%

    ThS Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Giám đốc VNU-F, cho biết nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên vay vốn là do đóng góp của xã hội. Hiện tại VNU-F vận động được 20 tỷ đồng cho chương trình trong vòng 4 năm từ Công ty Cổ phần Taekwang Vina Industrial. ĐHQG-HCM và VNU-F đang tiếp tục vận động xã hội, doanh nghiệp góp sức thêm cho chương trình này.

    Theo Phó Giám đốc VNU-F, đối tượng được vay vốn ưu đãi là sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn đang theo học chương trình đào tạo dài hạn, hệ chính quy tập trung tại các cơ sở đào tạo của ĐHQG-HCM. Số lượng sinh viên được vay và số tiền được vay tùy thuộc vào mức học phí của cơ sở đào tạo và Hội đồng xét duyệt ĐHQG-HCM quyết định.

    “Cụ thể sinh viên mồ côi, thuộc hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp hoặc gặp khó khăn về tài chính trong thời gian theo học có xác nhận của chính quyền địa phương sẽ được vay vốn ưu đãi. VNU-F cũng xem xét các trường hợp là sinh viên năm I có giấy xác nhận nhập học của cơ sở đào tạo, sinh viên các năm còn lại phải có kết quả học tập đạt loại trung bình - khá (tương đương 6,5/10 điểm) và đạt điểm đánh giá rèn luyện 70/100 trở lên. Trong quá trình vay vốn, sinh viên phải cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học và chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác” - ThS Nguyễn Thanh Nguyên thông tin thêm.

    Về việc trả nợ gốc, sinh viên phải trả lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày sinh viên kết thúc khóa học (kể cả trường hợp chưa có việc làm ổn định).

    “Chương trình khuyến khích sinh viên trả nợ, tất toán khoản vay trước thời hạn để tạo nguồn lực hỗ trợ cho thế hệ sinh viên tiếp theo” - Phó Giám đốc VNU-F nhấn mạnh.

    Sinh viên Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM tốt nghiệp. Ảnh: UIT

    Chương trình hợp tác đặc biệt

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết đây là chương trình hợp tác đặc biệt giữa doanh nghiệp, tổ chức định chế tài chính và cơ sở giáo dục đại học, lần đầu tiên được triển khai tại ĐHQG-HCM.

    Theo Giám đốc ĐHQG-HCM, trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ, thay đổi đáng chú ý nhất là mức học phí sẽ được điều chỉnh tăng dần nhằm đảm bảo định mức kinh tế - kỹ thuật và chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh và sinh viên theo học tại các trường đại học lo lắng, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, việc chuẩn bị cho lộ trình 4 hoặc 5 năm đại học không phải đơn giản.

    “Chương trình không chỉ là giải pháp hữu ích, là nguồn hỗ trợ kịp thời, giúp các em sinh viên vượt qua những trở ngại, tiếp tục chặng đường đại học của mình để xây dựng tương lai, mà còn giúp các em tự nhận thức được trách nhiệm của mình, có thêm động lực phấn đấu vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống”.

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt

    PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết ý tưởng ban đầu về việc xây dựng một chương trình đặc biệt để hỗ trợ sinh viên được đưa ra bởi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

    “Xuất phát từ ý tưởng ban đầu đó, ĐHQG-HCM đã xây dựng một chương trình đặc biệt về mục đích, phương thức thực hiện cũng như nội dung để đảm bảo mang đến một giải pháp ý nghĩa nhất, có lợi nhất cho các em sinh viên. Chương trình cho phép các em sinh viên vay học phí với mức lãi suất 0% và được phép trả nợ sau khi các em đã tốt nghiệp. Chương trình không chỉ là giải pháp hữu ích, là nguồn hỗ trợ kịp thời, giúp các em sinh viên vượt qua những trở ngại, tiếp tục chặng đường đại học của mình để xây dựng tương lai, mà còn giúp các em tự nhận thức được trách nhiệm của mình, có thêm động lực phấn đấu vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

    Ông Nam Jung Dae - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial, cho rằng việc hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi trở thành nhân tài là việc có ích rất lớn. Công ty sẽ tiếp tục đồng hành, giúp đỡ các em sinh viên để có thể trang trải một phần chi phí trong quá trình học đại học và đảm bảo sinh viên không phải bỏ học vì không có khả năng đóng học phí.

    Hồ sơ, thủ tục để vay vốn ưu đãi

    Để vay vốn ưu đãi học tập, sinh viên cần hoàn thiện hồ sơ, thủ tục sau:

    - Đơn đề nghị vay (theo mẫu, có xác nhận của cha mẹ sinh viên hoặc người bảo hộ hợp pháp).

    - Photo có công chứng: Giấy CMND, Hộ khẩu thường trú, Giấy tạm trú (hoặc các giấy tờ khác xác định nhân thân theo quy định của pháp luật).

    - Sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương hoặc cơ sở đào tạo.

    - Đối với sinh viên năm I phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường.

    - Đối với sinh viên năm II trở lên phải có xác nhận của nhà trường về kết quả học tập và hạnh kiểm.

    Sinh viên chỉ cần làm một bộ hồ sơ đầy đủ cho lần vay đầu. Những lần vay tiếp theo, sinh viên chỉ bổ sung đơn xin vay; xác nhận kết quả học tập, rèn luyện; và thông báo đóng học phí của cơ sở đào tạo.

    Sinh viên nộp hồ sơ trực tiếp về VNU-F, phòng 308A Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP. HCM từ ngày 15/10/2020 đến 30/10/2020. VNU-F sẽ thông tin kết quả xét duyệt đến cơ sở đào tạo và sinh viên sau khi được Hội đồng xét duyệt ĐHQG-HCM thông qua.

     

    Chi tiết sinh viên xem thêm tại file đính kèm

    ĐỨC LỘC (Bản tin ĐHQG-HCM số 202)

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên