Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và ý nghĩa lịch sử của nó đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay - NCS. Trần Thị Hoa

  • 24/12/2020
  • Tên đề tài: Tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và ý nghĩa lịch sử của nó đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay
    Ngành: Triết học
    Mã số: 9.22.90.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Hoa
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thị Mai, PGS.TS. Trần Mai Ước
    Cơ sở đào tạo: TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH & NV - ĐHQG TP.HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một đề tài luôn thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Thực tế đã có rất nhiều công trình nghiên cứu được công bố, nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học được tổ chức và đã gặt hái được những thành tựu rất đáng trân quý. Có thể khẳng định rằng đứng trước những khó khăn về kinh tế ngày càng gay gắt, sự rối loạn về chính trị và nguy cơ mất nước, các sĩ phu tiến bộ lúc bấy giờ đã mạnh dạn đưa ra những tư tưởng canh tân đất nước trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, quân sự, ngoại giao nhằm tạo ra thực lực đưa đất nước phát triển, phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như là một con đường, một phương sách cứu nước mới. Do đó, tìm hiểu tư tưởng canh tân thời kỳ này cũng chính là tìm hiểu một chủ trương cứu nước lúc bấy giờ, xét trong điều kiện thực tiễn nhất định.
    Trong khuôn khổ một luận án Tiến sĩ Triết học, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và làm rõ các vấn đề sau: Thứ nhất về những điều kiện và tiền đề hình thành tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trước hết, về những điều kiện kinh tế - xã hội, đây là giai đoạn lịch sử - xã hội thế giới và Việt Nam có rất nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của tư tưởng canh tân ở Việt Nam giai đoạn này. Đó là sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã làm cho chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ và chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Đặc biệt, thành công của công cuộc canh tân, cải cách đất nước của các quốc gia dân tộc ở phương Đông như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc; thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga (năm 1917)… Cùng với đó, sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp đã thức tỉnh các nhà canh tân giai đoạn này lựa chọn con đường canh tân đất nước. Bên cạnh đó, chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng canh tân trong lịch sử tư tưởng Việt Nam; tinh hoa tư tưởng, văn hóa phương Đông và phương Tây là những tiền đề lý luận quan trọng đưa đến sự hình thành, tồn tại và phát triển của tư tưởng canh tân giai đoạn này; Thứ hai về nội dung cơ bản và đặc điểm chủ yếu của tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nội dung của tư tưởng canh tân giai đoạn này rất phong phú, đa dạng và tương đối hệ thống, đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam lúc bấy giờ nhưng cơ bản nhất là tư tưởng canh tân về kinh tế, chính trị; tư tưởng canh tân về giáo dục, văn hóa; tư tưởng canh tân về quân sự, ngoại giao. Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu nội dung tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, luận án đã làm rõ đặc điểm của tư tưởng canh tân ở Việt Nam giai đoạn này. Đó là thể hiện tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường; là tính quá độ; là tính mâu thuẫn trong tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ việc phân tích nội dung, đặc điểm cơ bản của tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, luận án cũng đã nêu bật giá trị to lớn đáng ghi nhận trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, của tư tưởng canh tân trong thời kỳ này. Những giá trị đó, về cơ bản được thể hiện qua ba giá trị cơ bản sau: Trước hết, tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã phản ánh rõ nét yêu cầu khách quan của xã hội Việt Nam; giá trị thứ hai của tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đó chính là một biểu hiện độc đáo của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; giá trị thứ ba của tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời, luận án cũng đã nêu lên những hạn chế của tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được thể hiện qua các mặt: tính duy tâm, tính cải lương và tính chủ quan. Mặc dù còn tồn tại một số hạn chế nhất định, song tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã để lại ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Đó là ý nghĩa về việc công cuộc đổi mới phải xuất phát từ thực tiễn; công cuộc đổi mới phải dựa trên tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường và công cuộc đổi mới phải gắn liền với việc phát huy dân chủ. 
    2. Những kết quả mới của luận án
    Trên cơ sở nghiên cứu sâu các vấn đề nêu trên, luận án đã góp phần hệ thống và làm sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và đặc điểm chủ yếu của tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, luận án đã đánh giá một cách khách quan những giá trị, hạn chế trong tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; từ đó rút ra ý nghĩa lịch sử của nó đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Nội dung và kết quả của luận án là tài liệu tham khảo có ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. 
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên