Việc thêm nhiều phụ nữ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, quản lý không chỉ quan trọng đối với vấn đề bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu mà còn có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của các quốc gia và doanh nghiệp trên con đường vươn tới văn minh, thịnh vượng.
Chỉ 30% nữ giới sở hữu doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Lao động Thế giới (ILO, 2012), khoảng 5% giám đốc của các công ty lớn trên thế giới là nữ. Công ty càng lớn, người đứng đầu là nữ càng hiếm.
Hiện nay, phụ nữ sở hữu và quản lý chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp toàn cầu, nhưng phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Tại Việt Nam, khoảng 7% các nhà quản lý của 600 doanh nghiệp được khảo sát là nữ và khoảng 14% thành viên hội đồng quản trị là nữ. Về tổng thể, Việt Nam có khoảng 23% nữ giới tham gia vị trí quản lý tại các doanh nghiệp, xếp thứ 76/108 quốc gia được nghiên cứu.
Về thu nhập giữa nam và nữ trên thế giới, nữ có mức thu nhập chỉ từ 2% đến 50% so với nam, tùy từng nước khác nhau. Ở Việt Nam, mức thu nhập của nữ thấp hơn nam trung bình khoảng 10%.
Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo và quản lý được cho là từ nhiều phía: sự hạn chế trong nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc phụ nữ tham gia đời sống chính trị, làm lãnh đạo và quản lý; thiếu các cơ chế và điều kiện thuận lợi để phụ nữ thực hiện đầy đủ quyền công dân của mình; bản thân phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tại các nước nghèo hoặc đang phát triển, thường thiếu tự tin và ít được sự ủng hộ từ các bên để tham gia công tác quản lý.
Sự thiếu vắng phụ nữ tham chính trong tương quan với nam giới là vấn đề mang tính toàn cầu, có tính lịch sử và truyền thống. Ở hầu hết các nước, chính trị gia và nhà quản lý chủ yếu là nam giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc thu hút sự tham chính của phụ nữ nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ của “một nửa thế giới” đang là một trong những vấn đề “nóng” của các quốc gia.
Ưu thế của nữ giới đang được khẳng định
Sự phát triển về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ nâng cao kiến thức và năng lực nghề nghiệp. Số lượng sinh viên đại học ngày càng tăng cao ở tất các nước, trong đó lượng sinh viên nữ cũng đông lên rất đáng kể. Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, phụ nữ đã vượt hẳn nam giới về khả năng đạt các trình độ giáo dục. Thí dụ, niên khóa 2005-2006, nữ giới chiếm 58% lượng người nhận bằng cử nhân, 60% lượng người nhận bằng thạc sĩ và 50% lượng người nhận bằng tiến sĩ.
Phụ nữ cũng tự tin và đăng ký ngày càng nhiều hơn vào ngành học vốn là thế mạnh của nam giới như kỹ sư, công nghệ, xây dựng (Hình 1). Một điều thú vị nữa, theo kết quả PISA 2015, các bé gái có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn các bé trai tại các nước khác nhau trên thế giới (Hình 2).
Như vậy, kiến thức và trình độ của phụ nữ ngày nay đã có phần tương đương hoặc vượt trội so với nam giới. Điều đó cũng có nghĩa phụ nữ ngày nay có đầy đủ năng lực và trình độ để tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý, cùng nam giới giải quyết các bài toán của tổ chức và xã hội.
Sự phát triển của công nghiệp 4.0 góp phần giải phóng con người ra khỏi hình thức lao động thủ công và cơ bắp. Người lãnh đạo hiệu quả không dựa vào sức mạnh thể chất hay sức mạnh quyền lực mà chủ yếu là sử dụng sự thông minh, quan tâm, chia sẻ và tinh thần trách nhiệm. Tri thức và cảm xúc sẽ giúp con người đưa ra những quyết sách hiệu quả hơn cho sự phát triển. Đây chính là thế mạnh, “quyền lực mềm” của phụ nữ hay còn gọi là đặc trưng của phụ nữ. Sự nhạy cảm, thông hiểu, dịu dàng giúp phụ nữ thành công hơn so với nam giới trong vai trò lãnh đạo và quản lý. Trong khi nam giới tỏ ra mạnh mẽ, quyết đoán, thích kiểm soát và cạnh tranh thì phụ nữ tỏ ra mềm mại, linh hoạt, thường chọn con đường thuyết phục và hợp tác. Vì thế, trong vị trí lãnh đạo, người phụ nữ thể hiện khả năng tương tác tốt hơn bởi phần lớn phụ nữ có xu hướng khuyến khích sự tham gia của nhân viên, chia sẻ quyền lực, cố gắng phát huy năng lực của cấp dưới.
Trong các tổ chức, sự mềm dẻo trong quản lý, phân chia công việc theo nhóm, chia sẻ thông tin giữa các đồng nghiệp đang thay thế các cơ chế cứng nhắc của chủ nghĩa cá nhân cạnh tranh, sự kiểm soát và bí mật. Nhà quản lý hiệu quả là người biết lắng nghe, thúc đẩy và ủng hộ nhân viên. Nhiều phụ nữ làm các công việc này tốt hơn nam giới. Các nhà khoa học cho rằng phụ nữ có thể đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau. Họ có thể vừa là người mẹ, người vợ vừa là nhà khoa học, nhà chính trị và nhà quản lý. Từ đó, phụ nữ có thể lựa chọn, quyết định và làm tốt vai trò của mình trong gia đình và xã hội với tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp tốt. Đây cũng là nét khác biệt đáng chú ý trong cách thức lãnh đạo và quản lý giữa nam và nữ.
Tri thức và “quyền lực mềm” của phụ nữ hiện đại chính là sức mạnh để họ được bình đẳng, tự tin và tham gia cùng nam giới trong các quyết sách của tổ chức. Một tổ chức quản lý với sự cân bằng tiếng nói nam và nữ trong các quyết định quan trọng sẽ đem đến môi trường làm việc thân thiện, hòa bình, hiệu quả và thúc đẩy cùng tiến bộ.
Thay đổi để phát triển bền vững
Kinh tế thịnh vượng là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi thành viên trong gia đình và là điều kiện thuận lợi để phát triển xã hội. Khi kinh tế phát triển, nó sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong nhận thức giữa nam và nữ, hướng đến mối quan hệ bình đẳng, chia sẻ và hợp tác.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế không đủ để tạo sự bền vững cho bình đẳng giới. Yếu tố thiết yếu để tạo sự bền vững trong bình đẳng giới là tạo lập thể chế bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả môi trường tương tác: gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và xã hội.
Trước hết, cần thay đổi nhận thức về vai trò và đóng góp của phụ nữ khi họ tham gia lãnh đạo và quản lý. Cụ thể là nâng cao nhận thức của các quan chức cao cấp, nhấn mạnh tầm quan trọng và hiệu quả của công việc khi có tỷ lệ công bằng giữa nam và nữ trong các vị trí ra quyết sách. Nâng cao nhận thức của nam giới trong việc đảm nhận nhiều hơn công việc gia đình để hỗ trợ phụ nữ theo đuổi và thành công trong sự nghiệp của mình. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí quan trọng của phụ nữ trong xã hội để tạo áp lực làm thay đổi quan niệm về giới trong việc đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao.
Đi liền với thể chế là một chính sách mạnh mẽ và nhất quán. Chính sách nhân sự, truyền thông và hành chính là những vấn đề cần quan tâm và thúc đẩy sự bình đẳng ở mức cơ bản nhất, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ sẵn sàng tham gia và phát triển năng lực, trí tuệ, góp phần phát triển tổ chức, xã hội. Đẩy mạnh phát triển chính sách nâng cao dân trí, đặc biệt là việc đưa kiến thức về pháp luật và thông tin cần thiết đến với giới nữ, để họ có thể trở thành một lực lượng lớn vừa tự tin đi vào xã hội, vừa hỗ trợ, ủng hộ cho những nhân vật nữ tinh hoa đảm đương công việc chung của đất nước.
So với 20 năm trước, vai trò và nhiệm vụ của phụ nữ đã thay đổi rất rõ rệt. Nhiều phụ nữ nắm giữ những vị trí quan trọng của đất nước hoặc các tổ chức toàn cầu như như thủ tướng Anh, thủ tướng Đức, chủ tịch Quỹ Tiền tệ Thế giới... Ngoài ra, còn có rất nhiều phụ nữ thành công trên cương vị là nhà quản lý hay nhà quản trị tài chính của các doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Đây là minh chứng cho quá trình phấn đấu và khẳng định bản thân, vượt khỏi khuôn khổ truyền thống của phụ nữ.
LÊ THỊ ANH TRÂM (Bản tin ĐHQG-HCM số 193)
Hãy là người bình luận đầu tiên