Chiều 28/9, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM đã diễn ra Hội thảo về phát triển Khu Đô thị ĐHQG-HCM. PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, chủ trì hội thảo.
Thiết lập hệ sinh thái xanh, bền vững
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030 là xây dựng khu đô thị đại học xanh, thân thiện, hiện đại. Các mục tiêu chính gồm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, cây xanh cảnh quan.
Báo cáo về quy hoạch mảng xanh tại Khu Đô thị ĐHQG-HCM, ThS Trần Minh Cường - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Xúc tiến Đầu tư ĐHQG-HCM, cho biết ĐHQG-HCM xây dựng một khu đô thị với không gian đa chức năng có tổng diện tích 643,7 hecta. Trong đó, các yếu tố về không gian xanh được chú trọng nhằm gắn kết hài hòa giữa các công trình phục vụ học tập, nghiên cứu, sinh hoạt và cảnh quan thiên nhiên.
Tuy nhiên, theo đồ án quy hoạch 1/2.000 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/7/2023, một số khu vực có diện tích lớn hiện đang là đất trống bị hoang hóa trong khi các dự án xây dựng công trình phục vụ học tập, nghiên cứu chưa triển khai. Do đó, để khu đô thị không bị cây dại xâm lấn, đồng thời đảm bảo không gian xanh được tổ chức quy củ, hiệu quả thì việc quy hoạch mảng xanh trong Khu Đô thị ĐHQG-HCM là rất cần thiết.
Mục đích cơ bản của việc kiến tạo mảng xanh và trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường sống cho Khu Đô thị, khắc phục hậu quả từ biến động môi trường và tình trạng ô nhiễm bởi các khu công nghiệp, khu dân cư lân cận. Hơn thế nữa, việc thiết lập hệ sinh thái xanh còn hướng đến phục vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế có tính bền vững tại Khu Đô thị.
ThS Trần Minh Cường nêu các đề xuất về phân vùng loại cây trồng và mô hình mảng xanh dựa theo vị trí quy hoạch dự kiến của Khu Đô thị ĐHQG-HCM, cũng như giới thiệu một số mô hình tham khảo trong nước và quốc tế: mô hình cảnh quan đô thị đại học, mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình dược liệu, mô hình rừng đô thị.
Bảo đảm an toàn giao thông
Về công tác bàn giao, quản lý mặt bằng, chăm sóc cây xanh, cải tạo đất đai trong Khu Đô thị ĐHQG-HCM, ThS Phùng Anh Kiệt - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu Đô thị ĐHQG-HCM, nêu kiến nghị: Các đơn vị thành viên, trực thuộc thực hiện việc chăm sóc cây xanh, mảng xanh và vệ sinh môi trường trên khu vực vỉa hè liền kề khuôn viên đơn vị, tính đến mép đường giao thông. Từ đó, các đơn vị có thể phát triển thêm các mảng xanh, tạo lập diện mạo, cảnh quan như mong muốn. Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu Đô thị sẽ tiếp tục đảm trách tại các khu vực còn lại, bao gồm lòng đường, dải phân cách, các khu vực công cộng và các khu vực chưa bàn giao cho đơn vị sử dụng. Bằng cách này, nguồn lực của đơn vị được tập trung hơn, chất lượng công việc sẽ được nâng cao hơn.
Báo cáo về phương án giao thông, ThS Trần Việt Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu Đô thị, cho biết Khu Đô thị ĐHQG-HCM là một khu đô thị mở với nhiều cửa ngõ ra vào, có nhiều tuyến đường nội bộ được thiết kế và quy hoạch hiện đại. Nơi đây còn được kết nối với hệ thống đường vành đai, đường liên khu liền kề với các khu dân cư và các tuyến đường dân sinh làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông có phần phức tạp.
Khu Đô thị hiện có 1 trạm metro, 2 bến xe buýt chạy 9 tuyến với tần suất 2.000 chuyến mỗi ngày và khoảng 30.000 phương tiện cá nhân đi lại thường xuyên. Một số kiến nghị nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn đã được ThS Trần Việt Thắng nêu ra, như: tuyên truyền, nâng cao ý thức của sinh viên, người dân về an toàn giao thông; các đơn vị xe buýt cần nhắc nhở nhân viên chấp hành luật giao thông; phối hợp lực lượng chức năng tuần tra, xử lý vi phạm; tăng cường hệ thống camera và đội tuần tra trên các tuyến đường…
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Thanh Nam - Phó Trưởng ban Ban Kế hoạch - Đầu tư ĐHQG-HCM, cũng đã báo cáo về vấn đề cấp nước theo quy định cho các đơn vị trong Khu Đô thị ĐHQG-HCM. Sau đó, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, đã chủ trì phần thảo luận ý kiến từ các đơn vị.
Bài, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên