Hội thảo

ĐHQG-HCM tham gia tư vấn về sản phẩm và công nghệ chủ lực cho tỉnh Bình Phước

  • 17/05/2025
  • Ngày 17/5/2025, tại trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước, ĐHQG-HCM và UBND tỉnh Bình Phước đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp trọng tâm triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại tỉnh Bình Phước”. PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, bà Tôn Ngọc Hạnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước và bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đồng chủ trì hội thảo.

    PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, phát biểu định hướng Hội thảo.

    Phối hợp “3 nhà” để xác định sản phẩm chủ lực

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Tuyết Minh cho biết, Hội thảo nhằm làm sáng tỏ ba nội dung chính. Thứ nhất, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nghiệp liên quan đến phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS) ở tỉnh Bình Phước. Thứ hai, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, tham gia giải quyết các bài toán mà địa phương còn vướng mắc. Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa tỉnh Bình Phước và ĐHQG-HCM để cùng thúc đẩy sự phát triển KHCN và CĐS của tỉnh.

    Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, phát biểu khai mạc Hội thảo.

    “Thông qua hội thảo này, tỉnh Bình Phước mong muốn nhận được nhiều ý tưởng, gợi ý và kiến nghị thiết thực từ các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển về KHCN, ĐMST và CĐS của địa phương” - bà Trần Tuyết Minh nhấn mạnh.

    Phát biểu định hướng Hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, Hội thảo có sự tham gia của 3 nhà: Nhà nước (tỉnh Bình Phước) - doanh nghiệp (tập đoàn VNPT, Viettel) và đại học (ĐHQG-HCM cùng một số đơn vị khác) sẽ cùng trao đổi về sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Phước, cách thức ứng dụng KHCN, ĐMST làm gia tăng giá trị thặng dư của sản phẩm chủ lực này và tư vấn giải pháp về CĐS cho tỉnh.

    Theo đó, việc xác định sản phẩm chủ lực của tỉnh sẽ giúp tỉnh cùng với doanh nghiệp, tổ chức KHCN xác định vai trò và chiến lược đầu tư phù hợp. Cụ thể, những hoạt động đầu tư dài hơi sẽ giao cho các tổ chức KHCN. Các hoạt động mang tính ứng dụng ngay sẽ giao cho doanh nghiệp. Vai trò của địa phương là điều tiết các nguồn lực, xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý đột phá để tạo điều kiện cho sự hợp tác, phối hợp giữa 3 nhà.

    Về công tác CĐS, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, việc tỉnh phối hợp tập đoàn VNPT thành lập Trung tâm dữ liệu tích hợp là bước đi rất đột phá của tỉnh Bình Phước. Sự đột phá này thể hiện ở chỗ tỉnh đã lựa chọn dữ liệu để bắt đầu công tác CĐS và phối hợp doanh nghiệp để CĐS. Việc tỉnh đầu tư và giao cho doanh nghiệp vận hành CĐS dữ liệu đã giúp phát huy thế mạnh của mỗi bên. Mô hình này cần được nhân rộng.

    PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết ĐHQG-HCM sẽ tham gia tư vấn các chính sách, giải pháp CĐS cho tỉnh trong quá trình hợp tác với các doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Quân mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của ĐHQG-HCM sẽ đóng góp các giải pháp phát huy Trung tâm dữ liệu số tích hợp của tỉnh, đảm bảo sức bền và an toàn cho hệ thống dữ liệu của Trung tâm này.

    Nhiều đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

    Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở KH&CN trình bày báo cáo tổng quan Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 57.

    Trình bày báo cáo tổng quan Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia (Nghị quyết số 57), ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030 đưa KHCN, ĐMST và CĐS là giải pháp đột phá quan trọng, ưu tiên tập trung đầu tư của tỉnh; Chuyển dịch mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS; Phấn đấu đưa Bình Phước vào nhóm khá trong các tỉnh, thành phố về chỉ số phát triển KHCN, ĐMST và CĐS do Bộ KH&CN đánh giá hoặc có điểm số trung bình ở nhóm khá.

    Theo ông Quang, để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 7 giải pháp trọng tâm, đột phá trong đó nhấn mạnh việc đổi mới tư duy, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS cũng như trọng dụng, phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.

    Đưa ra một số đề xuất phát triển kinh tế số ở tỉnh Bình Phước, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM cho rằng có 5 nhóm chính sách tỉnh có thể thực hiện, gồm (1) chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” trong phát triển KHCN, ĐMST để thúc đẩy kinh tế số phát triển. Theo đó, tỉnh sẽ hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu để nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu, mô hình và ứng dụng công nghệ có sẵn vào sản xuất, kinh doanh. (2) chính sách phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; (3) chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; (4) chính sách phát triển nguồn nhân lực số; (5) chính sách đo lường và giám sát kinh tế số.

    PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đề xuất một số chính sách phát triển kinh tế số ở tỉnh Bình Phước.

    Hội thảo còn lắng nghe các tham luận về “Một giải pháp cho lộ trình đột phá tăng trưởng hai con số và Kinh tế số 30% GDP (2025-2030)” của đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT; “Hạ tầng số - Nền móng của Chuyển đổi số” của đại diện Tập Đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội Viettel. Các tham luận này đều đưa ra khuyến nghị tỉnh Bỉnh Phước ký kết hợp tác công-tư (PPP) với các tập đoàn công nghệ như VNPT, Viettel, FPT… để triển khai nền tảng số, phục vụ cho các mục tiêu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của tỉnh.

    Thảo luận về mô hình, giải pháp xây dựng nông nghiệp công nghệ cao cho tỉnh Bình Phước, TS Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp cho rằng tỉnh cần xác định sản phẩm lõi và công nghệ lõi trong nông nghiệp. Trong đó, tỉnh có thể tập trung các sản phẩm lõi như cây điều, tiêu và chăn nuôi heo, tạo ra các giống heo sạch. Đối với công nghệ lõi, tỉnh cần phát triển các công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sản xuất con giống và cây trồng, chế phẩm sinh học…

    TS Nguyễn Hữu Hoàng nêu các giải pháp xây dựng nông nghiệp công nghệ cao cho tỉnh Bình Phước.

    Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Hoàng lưu ý, con người là yếu tố quan trọng tạo ra sản phẩm lõi và vận hành công nghệ lõi. Do đó, tỉnh cần tạo ra nguồn nhân lực địa phương có thể nắm bắt được các công nghệ cao này để vận hành nền nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

    Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Viện trưởng Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM, đề xuất tỉnh cần quy hoạch, xây dựng các trang trại tập trung trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ chăn nuôi lạnh để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gây ra; sử dụng các men vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi nhằm tạo ra nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

    Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, tỉnh có thể cân nhắc sản xuất bột hạt mít để xuất khẩu ra các thị trường quốc tế. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ bột bạt mít rất cao để kiểm soát lượng đường từ thực phẩm. Đây là các thị trường tiềm năng cho tỉnh.

    PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp cho biết thêm, hạt tiêu là một thương hiệu nông sản mạnh của Bình Phước. Tuy nhiên, việc trồng và xuất khẩu hạt tiêu tại Việt Nam chưa được quốc tế đánh giá cao do chưa đạt các tiêu chuẩn về nguyên liệu sạch. Mặt khác, hạt tiêu không chỉ là gia vị nêm mà còn được sử dụng cho công nghiệp dược liệu để giải quyết vấn đề rối loạn trong hấp thu dinh dưỡng. Nếu tỉnh có thể sản xuất hạt tiêu đạt chất lượng, đây là mặt hàng tiềm năng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh.

    Hội thảo còn lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, y tế; chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vận hành các hệ thống KHCN khi được chuyển giao từ các tổ chức KHCN; xây dựng khu đô thị sinh thái thông minh; phát triển năng lượng mới từ cây xanh, chăn nuôi…

    Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước gửi lời cảm ơn đến ĐHQG-HCM, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều thông tin, ý kiến quý báu giúp tỉnh định hướng ban hành các chính sách, nhiệm vụ giải pháp thiết thực, thúc đẩy hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề nghị Sở KHCN phối hợp với đầu mối của ĐHQG-HCM tiếp tục thúc đẩy các hợp tác xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KHCN, ĐMST và CĐS theo các hướng ưu tiên của tỉnh Bình Phước, gắn kết chặt với đặc thù của tỉnh và các nội dung đã đặt ra trong Hội thảo. Đồng thời, giao Sở KHCN là đầu mối phối hợp với ĐHQG-HCM sớm tổ chức các hội thảo, hội nghị tiếp theo về từng lĩnh vực cụ thể như CĐS trong nông nghiệp, y tế…

    Toàn cảnh Hội thảo.

     

    TRUYỀN THÔNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên