Chương trình giao hưởng lần thứ nhất với chủ đề “Sắc màu giao hưởng” đã được diễn ra tại Hội trường Trần Chí Đáo vào ngày 10/1/2025. Tại đây, các bạn học sinh, sinh viên đã được thưởng thức các tiết mục do hơn 100 nghệ sĩ trình diễn.
Chương trình giao hưởng với chủ đề “Sắc màu giao hưởng” là buổi đầu tiên trong chuỗi chương trình hòa nhạc diễn ra từ tháng 1 đến tháng 7/2025 tại ĐHQG-HCM. Qua đó, sinh viên được nghe giới thiệu và thưởng trức trình diễn các thể loại như: giao hưởng, opera, nhạc kịch broadway, Jazz… Hoạt động này nhằm giúp khán giả có cơ hội cảm thụ sâu sắc hơn về những nét đẹp của các thể loại âm nhạc.
Thúc đẩy năng lực cảm thụ âm nhạc
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Hải Quân đã gửi lời cảm ơn đến Nhạc trưởng Trần Nhật Minh cùng các nghệ sĩ đến từ Saigon Festival Orchestra, Saigon Winds, Impact Theatre Saigon đã đồng hành và hỗ trợ về chuyên môn cho chuỗi chương trình.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Toán học giúp con người xác định cách sắp xếp nốt nhạc để tạo ra biến thể mới từ một chủ đề ban đầu. Vật lý nghiên cứu tần số, biên độ và cộng hưởng của sóng âm để giải thích cách các bản nhạc được tạo ra và truyền đi. Sinh lý học thần kinh nghiên cứu về cách bộ não xử lý âm nhạc giúp hiểu rõ hơn về cấu trúc não bộ và chức năng nhận thức. Âm nhạc kích thích nhiều vùng não khác nhau, góp phần cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung và thậm chí là khả năng ngôn ngữ.
“Âm nhạc vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa và thời gian, tạo ra sự đồng cảm và gắn kết giữa các cá nhân, cộng đồng và thế hệ. Âm nhạc truyền tải cảm xúc, từ niềm vui, nỗi buồn đến sự thăng hoa của tình yêu và khát vọng, giúp con người hiểu rõ hơn về chính mình và thế giới xung quanh. Kết nối cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn, đó chính là món quà lớn nhất mà âm nhạc mang lại cho nhân loại và cũng là món quà của Nhạc trưởng Trần Nhật Minh và các nghệ sĩ mang đến ĐHQG-HCM ngày hôm nay”, Giám đốc ĐHQG-HCM nói.
Đại diện cho dàn nhạc, Nhạc trưởng Trần Nhật Minh bày tỏ lòng tự hào và biết ơn khi được đồng hành cùng chương trình. Bên cạnh đó, Nhạc trưởng Minh nhấn mạnh việc tổ chức ở môi trường giảng đường tạo sự gắn kết, gần gũi với học sinh sinh viên. Điều này tạo nên điểm khác biệt nổi bật của ĐHQG-HCM so với các chương trình hòa nhạc dành cho học sinh, sinh viên khác.
Nhạc trưởng Minh cũng hy vọng việc tổ chức chuỗi chương trình này sẽ là tiền đề, tạo cơ hội để sinh viên khắp cả nước được tiếp cận với âm nhạc cổ điển. Qua đó, nhạc trưởng bày tỏ mong muốn mang âm nhạc đến gần giảng đường đại học hơn, tạo điều kiện cho sinh viên được thưởng thức những câu chuyện đẹp đẽ nhất về âm nhạc.
Cơ hội thú vị tiếp cận nhạc giao hưởng
Theo đó, buổi giao hưởng đầu tiên đã chào đón dàn nhạc có 55 nghệ sĩ, 32 ca sĩ hợp xướng và nhiều nghệ sĩ khác. Tổng số nghệ sĩ biểu diễn khoảng hơn 100 người. Chương trình đã mang đến cho khán giả những bản nhạc giao hưởng rực rỡ, hoành tráng, để lại ấn tượng cho nhiều học sinh, sinh viên khi tham dự.
Trong khuôn khổ chương trình, các bạn học sinh, sinh viên đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ, diễn giải từ phía Nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Nhạc trưởng Minh đã giới thiệu chi tiết về các thể loại nhạc và văn hóa nhạc giao hưởng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Qua đó, nhạc trưởng kỳ vọng sẽ góp phần giúp các bạn học sinh, sinh viên tiếp cận với nhạc giao hưởng, giúp thể loại nhạc này trở nên phổ biến hơn đến với mọi người.
TS Hồ Khánh Vân (Phó Trưởng khoa Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhận định chương trình giao hưởng mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, sinh viên. Điều này giúp định hướng thị hiếu của các bạn về âm nhạc, nghệ thuật thông qua cách tiếp xúc với nhạc giao hưởng.
“Tôi tự hào về ĐHQG-HCM đã tổ chức một chương trình mang lại nhiều ý nghĩa to lớn như vậy. Tôi rất kỳ vọng về những chương trình kế tiếp của ĐHQG-HCM trong việc thúc đẩy tình yêu âm nhạc trong các bạn học sinh, sinh viên”, TS Hồ Khánh Vân nói.
Đồng quan điểm, sinh viên Lâm Thành Phát (Trường ĐH Kinh tế - Luật) bày tỏ chương trình là một trải nghiệm ý nghĩa, giúp bản thân hiểu rõ hơn về giá trị của âm nhạc đối với đời sống tinh thần. Thành Phát kỳ vọng vào những buổi tiếp theo của chương trình sẽ được học hỏi thêm nhiều kiến thức mới trong lĩnh vực âm nhạc.
“Âm nhạc đối với em không chỉ giải trí mà còn là liều thuốc tinh thần sâu sắc. Việc tiếp cận với âm nhạc cổ điển không chỉ giúp em hiểu hơn về di sản nhân loại mà còn nuôi dưỡng tinh thần yêu nghệ thuật, phát huy các kỹ năng về văn hóa”, Thành Phát nói.
KHẮC HIẾU
Hãy là người bình luận đầu tiên