Ngày 14 và 15/2/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, PGS.TS Vũ Hải Quân - Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã có nhiều ý kiến đóng góp cho cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: cần phải quan tâm vấn đề nhân lực và công nghệ trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu Vũ Hải Quân bày tỏ lo ngại rằng nếu nhà máy điện hạt nhân hoàn thành vào năm 2030 nhưng nguồn nhân lực chưa được chuẩn bị từ hiện nay, sẽ gây khó khăn trong quá trình vận hành. Ông đề nghị trong dự thảo nghị quyết cần bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo đội ngũ kỹ sư để tiếp quản, tiếp nhận, vận hành trơn tru nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời nên ghi rõ, giao cụ thể việc đào tạo này cho các trường đại học trọng điểm trong đó có hai Đại học Quốc gia với yêu cầu, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để thực hiện. Theo ông Quân, kinh nghiệm từ metro của TP.HCM cho thấy khi vận hành cũng có trục trặc nhất định, dù nhỏ thôi nhưng phần lớn do đội ngũ vận hành chưa quen với công việc. Nếu được Đảng, Quốc hội giao thì ĐHQG-HCM sẵn sàng thực hiện; vừa qua ĐHQG-HCM đã mở hai chuyên ngành mới là Điện hạt nhân và Vật lý hạt nhân.
Đại biểu Vũ Hải Quân cho biết gần đây nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Amazon, Meta, Google, Microsoft… đã đầu tư lớn để nghiên cứu các công nghệ hạt nhân mới. Nguyên nhân họ đầu tư là do dự báo trong những năm tới nhu cầu điện hạt nhân sẽ gia tăng để phục vụ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). “AI tiêu tốn rất nhiều điện. Trong khi đó điện hạt nhân có lợi thế vận hành ổn định, chi phí thấp, không phát thải khí cacbon, nó rẻ và ổn định hơn nhiều nguồn năng lượng sạch khác như điện gió, mặt trời và thuỷ triều”, ông Quân phân tích.
Đại biểu Vũ Hải Quân cũng lưu ý về việc khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân nên khảo sát kỹ về công nghệ để tránh thiệt thòi. Bởi nhiều khi quyết định đầu tư nhà máy điện hạt nhân ở thời điểm này chi phí như vậy nhưng vài tháng sau hoặc thời gian ngắn sau lại ra công nghệ mới, chi phí thấp hơn, dễ vận hành, an toàn hơn. Vì vậy nên có khảo sát đánh giá kỹ lưỡng về công nghệ, nghiên cứu tiếp cận các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới xem họ đang tiến hành bước đi thế nào để có quyết định phù hợp.
Cơ chế cho quỹ phát triển khoa học công nghệ và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức KHCN, cơ sở giáo dục đại học công lập
Đồng chí Vũ Hải Quân cho rằng các chính sách mới của nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển khoa học và công nghệ nói chung và đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục đại học đang giữ những vị trí dẫn dắt về nghiên cứu khoa học trong hệ thống giáo dục ở nước ta như Đại học Quốc gia.
Đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Giám đốc ĐHQG-HCM đề xuất cho phép Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐHQG-HCM thành lập các quỹ phát triển khoa học công nghệ tương đương với các bộ, cơ quan ngang bộ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo ông, hiện nay, các trường đại học là chủ thể nghiên cứu khoa học nhưng việc thiếu quỹ phát triển khoa học công nghệ gây khó khăn trong triển khai nghiên cứu. “Các đại học là chủ thể nghiên cứu, nhưng không được thành lập quỹ sẽ rất khó triển khai. Việc này giúp hai Đại học Quốc gia cũng như các đại học khác hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu”- ông Quân nhấn mạnh.
Giám đốc ĐHQG-HCM cũng rất quan tâm vấn đề ưu đãi thuế trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu này, hiện nay, khi các trường đại học công lập tự chủ là Nhà nước cắt ngân sách chi thường xuyên nên giai đoạn tự chủ ban đầu rất khó khăn vì không có nguồn, học phí không thể tăng nhiều; các trường thì hoạt động phi lợi nhuận nên năm nào hết năm đó, không có dư để dành cho hoạt động KHCN.
Ngoài ra, tại điểm i, khoản 4, Mục II Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định: “Rà soát, sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng loại bỏ đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận”. Vì vậy, ĐHQG-HCM kiến nghị không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức KHCN, cơ sở giáo dục đại học công lập có nhiều hoạt động KHCN.
KHÁNH LÂM
Hãy là người bình luận đầu tiên