Tin tổng hợp

Từ năm 2026, Trường ĐH An Giang thực hiện tự chủ tài chính

  • 28/04/2025
  • Ngày 28/4/2025, ĐHQG-HCM đã tổ chức Tọa đàm “Cơ chế tài chính và phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2026 - 2030 của Trường ĐH An Giang". Theo đó, dự kiến từ năm 2026, Trường ĐH An Giang sẽ thực hiện tự chủ tài chính.

    Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh, việc tự chủ tài chính là xu hướng tất yếu đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của Trường ĐH An Giang, vì vậy rất cần sự tham gia tích cực của đội ngũ giảng viên của nhà trường trong việc đóng góp ý kiến, thảo luận, đánh giá các khó khăn, thách thức để cùng tìm giải pháp vượt qua.

    Bên cạnh đó, PGS.TS Vũ Hải Quân cũng khuyến khích các thầy cô đề xuất những mô hình tổ chức khác nhau nhằm tối ưu hóa hoạt động của nhà trường. Một trong những hướng đi có thể xem xét là chuyển giao một phần các đơn vị trực thuộc về cho địa phương quản lý, Trường ĐH An Giang đóng vai trò điều phối, giám sát chung. Các mô hình này cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đạt được sự thống nhất và lựa chọn phương án phù hợp nhất cho sự phát triển bền vững của nhà trường.

     PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh, việc tự chủ tài chính là xu hướng tất yếu đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
     PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh, việc tự chủ tài chính là xu hướng tất yếu đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

    Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức khi đổi mới cơ chế hoạt động

    TS Nguyễn Đình Hưng, Trưởng Ban Tài chính ĐHQG-HCM đã báo cáo xây dựng cơ chế tài chính, phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2026 - 2030 của Trường ĐH An Giang. Tính đến thời điểm hiện nay, Trường ĐH An Giang và các đơn vị trực thuộc có tổng cộng 743 nhân sự, thấp hơn so với số lượng 878 vị trí việc làm đã được phê duyệt; trường có 3 đơn vị trực thuộc nhóm 3, 2 đơn vị trực thuộc nhóm 2.

    TS Nguyễn Đình Hưng, Trưởng Ban Tài chính ĐHQG-HCM đã báo cáo xây dựng cơ chế tài chính, phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2026 - 2030 của Trường ĐH An Giang.
    TS Nguyễn Đình Hưng, Trưởng Ban Tài chính ĐHQG-HCM đã báo cáo xây dựng cơ chế tài chính, phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2026 - 2030 của Trường ĐH An Giang.

    Theo Trưởng Ban Tài chính ĐHQG-HCM, Trường ĐH An Giang đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển và đổi mới toàn diện cơ chế hoạt động trong giai đoạn 2026–2030. Các văn bản pháp luật hiện hành đã tạo nền tảng cho các cơ sở giáo dục đại học được trao quyền rộng hơn trong việc quyết định các vấn đề tài chính, học phí và hợp tác đầu tư, giúp nhà trường chủ động tìm kiếm và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng đang đề xuất các cơ chế, chính sách và đề án đặc thù nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên, trong đó có Trường ĐH An Giang, được thụ hưởng và triển khai thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương đang gia tăng, mở ra cơ hội phát triển các chương trình đào tạo mới cho nhà trường.

    Tuy nhiên, Trường ĐH An Giang cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đáng chú ý là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các cơ sở đào tạo trong khu vực, thu nhập bình quân của người dân địa phương tuy có cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình toàn quốc; tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối thu – chi và rủi ro trong vận hành tài chính do thiếu sự linh hoạt tại trường.

    Xây dựng cơ chế tự chủ giai đoạn 2026 - 2030

    Dựa trên những phân tích về tình hình thực tiễn, 03 phương án thực hiện đề án đổi mới cơ chế tài chính tại Trường ĐH An Giang gồm: (1) Năm 2026, ĐHQG-HCM tiếp tục hỗ trợ 50% ngân sách nhà nước chi thường xuyên để bù đắp chi phí; (2) Ngân sách nhà nước giảm dần theo quy mô đào tạo; (3) Trường Thực hành Sư phạm trở thành đơn vị dự toán nhóm 3 và kết hợp với một trong hai phương án còn lại.

    Tại Tọa đàm, các giảng viên và đại diện các đơn vị trực thuộc Trường ĐH An Giang bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương đẩy mạnh tự chủ tài chính, hướng đến sự phát triển của nhà trường.
    Tại Tọa đàm, các giảng viên và đại diện các đơn vị trực thuộc Trường ĐH An Giang bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương đẩy mạnh tự chủ tài chính, hướng đến sự phát triển của nhà trường.

    Tại Tọa đàm, các giảng viên và đại diện các đơn vị trực thuộc Trường ĐH An Giang bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương đẩy mạnh tự chủ tài chính, hướng đến sự phát triển của nhà trường. Dự kiến trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các buổi trao đổi chuyên sâu, lấy ý kiến rộng rãi từ các đơn vị và cán bộ, giảng viên, nhằm hoàn thiện phương án tối ưu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học.

    Kết thúc Tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân, đề nghị Trường ĐH An Giang cùng các bộ phận liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án đổi mới cơ chế hoạt động nhà trường, dự kiến trình Hội đồng ĐHQG-HCM vào tháng 12/2025.

    PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh, thời gian tới bối cảnh chung sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi nhà trường phải đưa ra những quyết định quan trọng, thậm chí là quyết định khó khăn. Ông lưu ý rằng việc thực hiện cơ chế tự chủ sẽ gắn liền với điều chỉnh tăng học phí, do đó, tập thể nhà trường cần thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc mọi yếu tố để có những quyết định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người học. Đồng thời, ĐHQG-HCM sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Trường ĐH An Giang trong suốt quá trình triển khai cơ chế tự chủ.

    ĐHQG-HCM sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Trường Đại học An Giang trong suốt quá trình triển khai cơ chế tự chủ.
    ĐHQG-HCM sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Trường ĐH An Giang trong suốt quá trình triển khai cơ chế tự chủ.

    Liên quan đến học phí, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng, giữa các nhóm ngành sẽ có sự khác biệt, vì vậy nhà trường cần xây dựng đề án phân tích, đánh giá cụ thể. Việc thực hiện cơ chế tự chủ phải gắn với xây dựng các phân khúc học phí phù hợp theo từng lĩnh vực đào tạo. “Quá trình tự chủ đại học không chỉ đòi hỏi thay đổi cơ chế quản lý mà còn là thời điểm nhà trường cần thay đổi tư duy, mạnh dạn đổi mới phương thức làm việc, thể hiện quyết tâm vượt qua những lối mòn để phát triển bền vững”, PGS.TS Vũ Hải Quân nói.

    Bài và ảnh: KHẮC HIẾU

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên