Chiều 18/4/2025, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1) đã diễn ra Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG-HCM lần III - năm 2024, đồng thời phát động hoạt động trải nghiệm sáng tác năm 2025 với chủ đề “Cất cánh cùng văn chương”.
Hơn 1.000 tác phẩm dự thi
Sau 10 tháng phát động, Giải thưởng Văn học trẻ lần III nhận được 1.032 tác phẩm dự thi, đến từ 159 cơ sở giáo dục. Trong đó, tác giả nhỏ tuổi nhất sinh năm 2013, tác giả lớn tuổi nhất sinh năm 1992. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM là đơn vị có có số lượng dự thi cao nhất, với 371 tác phẩm và 198 tác giả dự thi.
Theo đó, mùa giải năm nay, số lượng tác phẩm dự thi ở 3 thể loại gồm: hạng mục thơ 538 tác phẩm, hạng mục truyện ngắn 252 tác phẩm và hạng mục tản văn có 242 tác phẩm dự thi.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh và trao giải cho 29 tác phẩm xuất sắc gồm: 1 Giải nhất Tản văn; 2 Giải nhì Truyện ngắn, 1 Giải nhì Thơ và 1 Giải nhì Tản văn; 3 Giải ba ở mỗi hạng mục Truyện ngắn, Tản văn và Thơ; 5 Giải Khuyến khích cho mỗi hạng mục Truyện ngắn; Tản văn, Thơ.
Theo đó, Giải thưởng Văn học trẻ lần III chỉ trao 1 Giải nhất thể loại Tản văn cho tác phẩm Hẻm mùa hương của tác giả Đinh Ngọc Bảo Trân, sinh viên.
Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM nhìn nhận với vai trò là hệ thống giáo dục đại học hàng đầu cả nước, ĐHQG-HCM luôn coi trọng việc phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ. Cuộc thi được tổ chức thường niên, góp phần khơi dậy và phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của học sinh, sinh viên.
“Đây vừa là sân chơi sáng tạo tinh thần ý nghĩa, vừa là diễn đàn để học sinh, sinh viên thể hiện thông điệp nhân văn, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, qua đó, góp phần lan tỏa nhận thức và tình cảm tích cực đến giới trẻ cũng như toàn xã hội, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ.
Kỳ vọng những tác phẩm đột phá
Cuộc thi trải qua 2 vòng chấm chọn nghiêm túc: sơ khảo và chung khảo. PGS.TS Võ Văn Nhơn, Giảng viên cao cấp Khoa Văn học, rưởng Ban Giám khảo cuộc thi cho biết các tác phẩm có đề tài đa dạng, phong phú, chất suy tư nhiều hơn, song cuộc thi kỳ vọng những sáng tạo mang tính đột phá, có ý tứ đột phá hơn.
“Các tác phẩm bộc lộ cảm xúc sâu nặng với đối với tổ quốc, có tác phẩm xoáy sâu vào tình yêu với gia đình. Có những câu hỏi lớn, những suy tư, lo âu, hoang mang thường thấy của tuổi trẻ với cuộc sống, thời cuộc và cả những trăn trở trong công việc sáng tạo văn chương”.

“Bởi văn chương là một trò chơi đòi hỏi nhiều suy tư, sáng tạo và xúc cảm. Cánh đồng văn chương không phải là một nơi chỉ để dạo chơi mà còn có nhiều thử thách khắc nghiệt cần phải vượt qua”, PGS.TS Võ Văn Nhơn cho biết.
Dù vậy, PGS.TS Võ Văn Nhơn nhận định tiếp tục tin tưởng, hy vọng vào tương lai của văn chương Việt Nam. Và cuộc thi sẽ ngày càng khởi sắc, với nhiều khuôn mặt mới xuất hiện, nhiều sáng tác đột phá, thành công hơn nữa.
Theo đó, PGS.TS Võ Văn Nhơn nêu ví dụ, thí sinh Đinh Ngọc Bảo Trân (Trân Mơ) với Hẻm mùi hương có những khám phá tinh tế về những hẻm nhỏ của Sài Gòn. Còn với bài thơ Một mai con sẽ ra đến biển, dù tác giả Lê Nhân Trần bắt đầu với tinh thần yêu nước, nhưng biểu đạt được một giọng điệu mới.
Những sáng tác khác đầy hứa hẹn như: Bay, bay lên của Thân Trọng Anh Khoa, Ba mùa đi qua của Phan Thanh Bảo Ngọc (Thanh Ngọc) ở hạng mục truyện ngắn; Những chiếc xe gắn máy của Nguyễn Thành Trung (Tê Tê) ở hạng mục thơ, Cái răng đau của Lê Trần Thúy Vy (Cá Mặt Trời) ở hạng mục tản văn...
Phát động “Cất cánh cùng văn chương”
Tiếp nối thành công, TS. Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, phát động hoạt động trải nghiệm sáng tác 2025 “Cất cánh cùng văn chương”, dự kiến tổ chức vào mùa hè năm 2025.
“Chúng tôi tin rằng giải thưởng này còn là nơi ươm mầm, bồi dưỡng và khơi dậy những tiềm năng văn chương đang ẩn mình. Đó cũng là nỗi trăn trở lớn nhất của Ban tổ chức, để mỗi tài năng đều có cơ hội được phát hiện, phát triển và tỏa sáng”, TS Phan Thanh Định cho biết.
Với tinh thần đó, bước sang năm thứ 4, giải thưởng sẽ triển khai mô hình hoàn toàn mới: Hoạt động trải nghiệm sáng tác 2025 “Cất cánh cùng văn chương”, với 4 mục tiêu cốt lõi: tăng cường kết nối cộng đồng người viết trẻ; trau dồi và phát triển năng lực sáng tạo; tạo không gian học hỏi từ các nhà văn, nhà thơ giàu kinh nghiệm; và trải nghiệm đời sống thực tế để làm phong phú chất liệu sáng tác.

Cuộc thi “Giải thưởng Văn học Trẻ ĐHQG-HCM” lần III được phát động vào ngày 9/1/2024, với chủ đề “Khởi nghiệp văn chương”, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đăng cai tổ chức. Giải thưởng nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ Hội Nhà văn TP.HCM, Nhà xuất bản cùng Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM. Đây là sự nỗ lực kết nối giữa môi trường học thuật và giới chuyên môn nhằm tạo ra không gian sáng tạo lành mạnh, truyền cảm hứng và bền vững cho người trẻ viết văn. |
Hãy là người bình luận đầu tiên