Địa phương

ĐHQG-HCM ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Ninh Thuận

  • 24/08/2017
  • Ngày 24/8, tại Ninh Thuận, ĐHQG-HCM và tỉnh Ninh Thuận đã ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017-2021. Đây là tỉnh thứ ba trong khu vực Duyên hải miền Trung mà ĐHQG-HCM có ký kết hợp tác.

    Đại diện ĐHQG-HCM và tỉnh Ninh Thuận ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thái Việt

        Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2011 Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020. Trong đó, tỉnh quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm chìa khóa phát triển các ngành khác. Với đặc thù tự nhiên, tỉnh tập trung vào bốn nhóm ngành: năng lượng, du lịch, phát triển nông lâm thủy sản và chế biến. Hai sản phẩm phụ trợ là giáo dục đào tạo và xây dựng. 

        Năm 2016, ĐHQG-HCM  cũng đã cử đoàn chuyên gia khảo sát thực tiễn nhu cầu phát triển của tỉnh Ninh Thuận. Trên cơ sở đó hai bên ký thỏa thuận hợp tác. Cụ thể, ĐHQG-HCM với thế mạnh của mình sẽ hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận trong nghiên cứu ứng dụng, tư vấn về hoạch định chính sách, xây dựng đề án phát triển du lịch, xử lý môi trường sản xuất tôm giống, chuyển giao công nghệ đóng tàu khai thác thủy sản bằng vật liệu composite, nâng cao chất lượng và sản phẩm tỏi Phan Rang, phát triển ngành trồng và chế biến chuối, bảo quản nguồn nước tự nhiên phục vụ dân sinh và công nghiệp, nghiên cứu công nghệ phát triển năng lượng tái tạo…

        Song song đó, ĐHQG-HCM sẽ thực hiện các dự án bồi dưỡng, nâng chuẩn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Thuận bằng các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng về ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn phát triển về đội ngũ và nguồn tài nguyên giáo dục.

        Ngoài ra, ĐHQG-HCM còn giúp tỉnh Ninh Thuận tập huấn và chuyển giao kỹ thuật chọn giống vật nuôi, cây trồng và thủy sản có năng suất, chất lượng cao; bảo quản, chế biển sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong khám, điều trị bệnh và sản xuất dược phẩm.

        Ông Lưu Xuân Vĩnh mong muốn tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng tham gia các chương trình khoa học công nghệ do ĐHQG-HCM chủ trì và triển khai tại địa phương. Ông cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ các đề tài ứng dụng phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của tỉnh Ninh Thuận. 

        PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, khẳng định tất cả dự án hợp tác với các tỉnh phải có đầu ra cụ thể, có đóng góp sản phẩm cụ thể cho địa phương. ĐHQG-HCM luôn xem việc hỗ trợ phục vụ cộng đồng là mục tiêu, trách nhiệm, sứ mạng của mình. Để có kết quả cao, ĐHQG-HCM cam kết bố trí kinh phí đối ứng thích hợp với kinh phí của tỉnh Ninh Thuận để thực hiện các đề tài nghiên cứu. 

        Trong thời gian tới, hai bên sẽ thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thỏa thuận hợp tác. 

    4 khu vực ưu tiên hợp tác của ĐHQG-HCM 

    ĐHQG-HCM tập trung phát triển phục vụ cộng đồng ở 4 khu vực gồm: Đông Nam bộ (TP.HCM và Bình Dương); Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông); Đồng bằng sông Cửu Long (Chương trình Tây Nam bộ); Duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Bình Định và Ninh Thuận). 


    THÁI VIỆT

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên