Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã và đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, công tác đào tạo và bồi dưỡng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng có đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Nhận thức rõ tầm quan trọng này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thể hiện những nỗ lực lớn trong việc xây dựng đội ngũ đáp ứng nhiệm vụ và công vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Một số chương trình đào tạo chưa kịp thời đổi mới, phương pháp giảng dạy chủ yếu là truyền thống, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của người học. Điều này dẫn đến hạn chế trong việc phát triển toàn diện các kỹ năng mà đội ngũ lãnh đạo, quản lý địa phương cần có để đối phó với những thay đổi và thách thức mới trong giai đoạn hiện nay.
Trước thực trạng đó, ĐHQG-HCM đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu dành riêng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tại địa phương. Mục tiêu của chương trình là cung cấp cho đội ngũ cán bộ không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn các kỹ năng lãnh đạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời đại số hóa và toàn cầu hóa. Chương trình được thiết kế dựa trên thực tiễn địa phương và xu hướng phát triển mới, đảm bảo tính thực tế và hiệu quả cao.
Những điểm sáng của chương trình bồi dưỡng
Chương trình bồi dưỡng của ĐHQG-HCM được thiết kế với 07 nội dung chính, bám sát yêu cầu của từng địa phương:
(1) Kỹ năng quản lý ngành và địa phương: Tập trung vào các phương pháp quản lý hiệu quả, đồng thời cung cấp kiến thức về quản trị sự thay đổi, quản lý khủng hoảng và thúc đẩy sáng tạo trong khu vực công. Đặc biệt, nội dung liên quan đến phát triển kinh tế bền vững tại địa phương là một trong những trọng tâm của chương trình.
(2) Kỹ năng lãnh đạo: Đào tạo chuyên sâu về tư duy chiến lược, ra quyết định, quản lý nhân sự và truyền cảm hứng,... Những kỹ năng này giúp cán bộ nâng cao khả năng điều hành và tạo động lực cho đội ngũ tại địa phương.
(3) Chuyển đổi số khu vực công: Chương trình cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, giúp các nhà quản lý hiểu rõ và áp dụng công nghệ vào quản lý, cải tiến quy trình làm việc, tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước.
(4) Nâng cao năng lực ngoại ngữ: Đây là yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chương trình linh hoạt cung cấp các khóa học ngoại ngữ phù hợp với từng đối tượng, giúp cán bộ tự tin giao tiếp và làm việc trong môi trường quốc tế.
(5) Tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm trong nước: Chương trình tạo điều kiện cho cán bộ học hỏi từ các mô hình quản lý thành công trong nước, từ đó có thể áp dụng vào thực tế tại địa phương mình.
(6) Tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài: Các chuyến học tập ở nước ngoài không chỉ giúp mở rộng tầm nhìn mà còn giúp các nhà lãnh đạo nắm bắt được những mô hình quản lý tiên tiến từ các quốc gia phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa đất nước.
(7) Các nội dung đặc thù theo từng địa phương: ĐHQG-HCM điều chỉnh nội dung bồi dưỡng dựa trên đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu riêng biệt của từng địa phương, đảm bảo chương trình thực sự phù hợp và mang lại giá trị thiết thực.
Đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy
Với bề dày kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thành khu vực phía Nam, ĐHQG-HCM không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và phương pháp bồi dưỡng thông qua việc cập nhật các xu hướng giáo dục tiên tiến, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, nhằm cung cấp những chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu cao ngày càng cao tại các địa phương.
Điểm nhấn của chương trình bồi dưỡng này là sự đổi mới về phương pháp giảng dạy. Thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết, chương trình khuyến khích học viên tham gia các bài tập thực tế, học tập qua trải nghiệm và nghiên cứu tình huống. Phương pháp này không chỉ giúp người học nắm vững kiến thức mà còn phát triển kỹ năng ứng dụng trực tiếp vào công việc hàng ngày. ĐHQG-HCM cũng đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng cường tính tương tác giữa giảng viên và học viên, tạo ra môi trường học tập linh hoạt, hiệu quả.
Vai trò của Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM (VNU-ILEAD)
VNU-ILEAD là đơn vị đầu mối được ĐHQG-HCM giao nhiệm vụ triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức tại các địa phương. Trong thời gian qua, VNU-ILEAD đã tổ chức hơn 50 khóa bồi dưỡng thành công cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các tỉnh, từ TP.HCM đến An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận,... Các chương trình này đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành tại địa phương. Học viên sau khi hoàn thành khóa học đều ghi nhận sự cải thiện đáng kể về kỹ năng quản lý, khả năng giải quyết vấn đề và sự tự tin trong công tác lãnh đạo.
Với thế mạnh sẵn có, ĐHQG-HCM phát huy lợi thế về cơ sở vật chất hiện đại, khả năng nghiên cứu ứng dụng và đội ngũ chuyên gia hàng đầu để cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của các địa phương trong bối cảnh phát triển hiện đại. Sự hợp tác chặt chẽ giữa ĐHQG-HCM và các địa phương không chỉ nâng cao chất lượng quản lý mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiến bộ xã hội. Điều này thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của ĐHQG-HCM trong việc đồng hành cùng địa phương trên con đường phát triển.
Bài và ảnh: Trần Vũ Thanh, VNU-ILEAD
Hãy là người bình luận đầu tiên