Khoa học công nghệ

Giám đốc ĐHQG-HCM nêu 3 yêu cầu trong việc phát triển nhóm nghiên cứu mạnh

  • 19/10/2023
  • Đó là chỉ đạo của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, tại tọa đàm “Vai trò của nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) trong Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, diễn ra vào sáng 19/10 ở Nhà Điều hành ĐHQG-HCM.

    PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, có 3 vấn đề quan trọng trong việc phát triển nhóm NCM tại ĐHQG-HCM ở giai đoạn 2021-2030. Đầu tiên, ông mong Ban KH&CN và các nhà khoa học đề xuất những chính sách để giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục, tài chính khi thực hiện nghiên cứu. Tiếp theo, ông cho rằng đã đến lúc các trường thành viên của ĐHQG-HCM phải đề ra những đề án tuyển dụng, lộ trình phát triển cụ thể để có thể thu hút các nhà khoa học trẻ, xuất sắc đến làm việc.

    Cuối cùng, ông bàn về việc các nhà khoa học cần có thêm những báo cáo chuyên môn về những vấn đề thực tiễn xã hội, con người, văn hóa, y tế… ngoài việc công bố bài báo khoa học, phát minh và sáng chế.

    “Tôi hy vọng trong 5-10 năm tới, chúng ta sẽ công bố được những sản phẩm đặc trưng và xứng tầm ĐHQG-HCM. Những sản phẩm đó có thể không cần xuất bản nhưng phải được đầu tư lâu dài” - Giám đốc ĐHQG-HCM nhắn nhủ. 

    Theo PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, 3 vấn đề mà PGS.TS Vũ Hải Quân đưa ra rất hay, gắn liền với nhóm NCM. Để thực hiện được các nội dung đó, ông Bình đã đưa ra một số kiến nghị như: ĐHQG-HCM cần đề ra những chiến lược cụ thể về phát triển nhóm NCM; nhóm NCM cần hình thành trường phái nghiên cứu, tạo lập thêm những nhóm nghiên cứu mới và phải hoạt động theo ê-kíp hướng đến mục tiêu chung chứ không chỉ đơn giản là một nhóm làm việc.

    Phát biểu kết luận, GS.TS Trần Linh Thước - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG-HCM, cho biết: “Trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của các nhóm NCM để khai thác hiệu quả những cơ chế được công nhận tại Nghị định 109 của Chính phủ. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM cũng sẽ rà soát lại những đề xuất liên quan đến chương trình nghiên cứu liên ngành để chọn ra những nhiệm vụ phù hợp với định hướng của ĐHQG-HCM và có thể sử dụng nguồn vốn hiệu quả”.

    Tại tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe 2 tham luận: Điều kiện hình thành nhóm NCM và đề xuất, kiến nghị (GS.TS Phan Bách Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử) và Thực trạng và kế hoạch phát triển nhóm NCM tại ĐHQG-HCM (PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM).

    Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm.
    Toàn cảnh tọa đàm.

    Tin, ảnh:ƠNG NHU - THU THẢO

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên