Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cho công chức và viên chức địa phương không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của địa phương.
Với thế mạnh và nguồn lực sẵn có, ĐHQG-HCM đồng hành chặt chẽ với các địa phương để cung cấp các chương trình chất lượng, đa dạng nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ công chức, viên chức theo chuẩn mực quốc tế.
Nhu cầu cao nhưng còn nhiều hạn chế
Ngày 19/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” với mục tiêu “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định...”, và “đến năm 2025, 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định”.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhiều địa phương đã thường xuyên triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ và năng lực ngoại ngữ cho nguồn nhân lực. Điều này không chỉ đảm bảo công chức, viên chức đáp ứng được các tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, mà còn tăng khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế; qua đó, góp phần nâng cao sự thích ứng của địa phương trước những thách thức ngày càng phức tạp của thế giới.
Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho công chức, viên chức tại các địa phương đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Trước tiên là sự thiếu hụt nguồn giảng viên có chuyên môn cao và phương tiện học tập hiện đại, công nghệ giáo dục tiên tiến khiến việc tổ chức các khóa bồi dưỡng, xây dựng tài nguyên học liệu trở nên khó khăn, ít hiệu quả.
Kế đến là chương trình đào tạo thiếu tính linh hoạt. Các chương trình bồi dưỡng tiếng Anh chưa chú trọng tính “địa phương hóa” và “cá nhân hóa”, thiết kế nội dung chưa phù hợp nhu cầu và năng lực của người học.
Ngoài ra, việc tích hợp các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hiện đại cũng ít được thực hiện. Nhiều chương trình bồi dưỡng tiếng Anh hiện nay vẫn dựa vào các phương pháp dạy và học truyền thống, thiếu những hoạt động khuyến khích sự sáng tạo và tương tác tích cực giữa giảng viên và học viên.
Mở hơn 100 khóa đào tạo ngoại ngữ cho các địa phương
Phần lớn những hạn chế, khó khăn trên của địa phương đã được giải quyết thông qua các hoạt động hợp tác với ĐHQG-HCM. ĐHQG-HCM có đội ngũ chuyên gia, giảng viên trong và ngoài nước giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm đã tổ chức hơn 100 khóa bồi dưỡng ngoại ngữ cho các địa phương. ĐHQG-HCM đã thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh hiện đại; trong đó chú trọng việc tùy chỉnh chương trình sao cho phù hợp với bối cảnh và nhu cầu cụ thể của công chức, viên chức địa phương.
Các chương trình bồi dưỡng tiếng Anh của ĐHQG-HCM chú trọng việc tích hợp các phương pháp giảng dạy tiên tiến như: học tập kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin (Blended Learning), dạy học ngôn ngữ thông qua nhiệm vụ (Task-Based Language Teaching), dạy học thông qua trò chơi (Gamification), lớp học đảo ngược (Flipped Classroom)... Các chương trình đều hướng tới việc kích thích tư duy và sự sáng tạo của người học qua các hoạt động thực hành, thảo luận nhóm, tranh luận. Hơn nữa, ĐHQG-HCM còn quan tâm đến việc đánh giá hiệu quả học tập bằng các hoạt động đa dạng. Tất cả điều này giúp xác định rõ hướng phát triển cá nhân của từng học viên, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Có thể kể đến một số khóa bồi dưỡng về tiếng Anh tại các địa phương do ĐHQG-HCM thiết kế và thực hiện như: Nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ theo các khung trình độ: VSTEP (tất cả trình độ), IELTS (tất cả trình độ), TOFFEL (tất cả trình độ)...; Tiếng Anh giao tiếp ứng dụng trong công việc, trong giao tiếp hằng ngày, trong các tình huống đặc biệt...; Phát triển chuyên sâu từng kỹ năng/khía cạnh tiếng Anh: Nghe (Listening), Nói (Speaking), Đọc (Reading), Viết (Writing), Ngữ pháp (Grammar), Phát âm (Pronunciation)...; Tiếng Anh chuyên ngành trong các lĩnh vực kinh doanh (Business), giáo dục (Education), hành chính nhân sự (Human Resources)...
ĐHQG-HCM luôn xác định việc giải quyết bài toán nâng cao trình độ tiếng Anh cho công chức, viên chức các địa phương không chỉ là mục tiêu cụ thể, mà còn giúp các địa phương mở ra cơ hội để sự phát triển toàn diện, góp phần vào việc tạo ra cầu nối quan trọng cho các hoạt động hợp tác quốc tế.
Bài, ảnh: ILEAD
Hãy là người bình luận đầu tiên