Tin tức - Sự kiện

Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất và phát triển thủy điện đến tài nguyên nước lưu vực sông Sêrêpôk - NCS. Phạm Thị Thảo Nhi

  • 25/12/2023
  • Tên đề tài luận án: Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất và phát triển thủy điện đến tài nguyên nước lưu vực sông Sêrêpôk
    Ngành: Quản lý tài nguyên và môi trường
    Mã số ngành: 9850101
    Họ tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Thảo Nhi
    Khóa đào tạo: 2019
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đào Nguyên Khôi
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG.HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án:
    Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất và phát triển thủy điện diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn nên việc nhận dạng tác động của các yếu tố này đến tài nguyên nước là cần thiết, nhằm quy hoạch và quản lý hiệu quả nguồn nước. Lưu vực sông Sêrêpôk là một trong những sông lớn của Việt Nam và là nguồn cung cấp nước quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. Mục tiêu của luận án này nhằm đánh giá tác động riêng lẻ và tổng hợp do những thay đổi về khí hậu, thay đổi sử dụng đất, và phát triển thủy điện đối với dòng chảy và lượng phù sa lưu vực sông Sêrêpôk. Nghiên cứu được tiến hành bằng cách sử dụng mô hình thủy văn SWAT nhằm để mô phỏng sự thay đổi dòng chảy và phù sa theo các kịch bản tương lai về biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất, và phát triển thủy điện. Các kịch bản biến đổi khí hậu được xây dựng bằng phương pháp thay đổi hệ số delta dựa vào kết quả mô phỏng khí hậu toàn cầu từ CMIP6. Các kịch bản sử dụng đất tương lai được xây dựng bằng cách sử dụng mô hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất CLUE-s. Kịch bản phát triển thủy điện được đưa ra dựa trên quy hoạch phát triển thủy điện của lưu vực. Kết quả nghiên cứu cho thấy dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ và lượng mưa được dự báo tăng trong tương lai, điều này dẫn đến mức tăng của dòng chảy năm và phù sa có thể lên đến 37% và 75%. Bên cạnh đó, kịch bản thay đổi sử dụng đất trong tương lai cho thấy xu hướng tăng diện tích đất đô thị và đất nông nghiệp, và giảm diện tích đất rừng và cây bụi, điều này gây ra sự tăng dòng chảy và phù sa trên lưu vực lần lượt là 3,4% và 5,0%. Dưới tác động của kịch bản phát triển thủy điện, dòng chảy mùa lũ có xu hướng giảm (10%) và dòng chảy mùa kiệt có xu hướng tăng (30%). Dưới tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất và phát triển thủy điện, lưu lượng dòng chảy và lượng trầm tích hàng năm có xu hướng tăng, lần lượt là 41% và 45%. Nhìn chung, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có tác động lớn nhất đối với sự gia tăng dòng chảy và phù sa so với tác động của thay đổi sử dụng đất và phát triển thủy điện. Do đó, trong tương lai cần chú trọng đến các giải pháp quản lý nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả của nghiên cứu này đóng góp cơ sở khoa học cho công tác quản lý và quy hoạch bền vững tài nguyên nước lưu vực sông trong bối cảnh thay đổi môi trường.    
    2. Những kết quả mới của luận án:
    Xem xét các tác động riêng lẻ của các yếu tố: biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất và phát triển thủy điện lên tài nguyên nước, trong 3 nhân tố được xem xét thì biến đổi khí hậu là nhân tố gây biến đổi dòng chảy và bùn cát lớn nhất, với mức tăng là 37% đối với dòng chảy và 75% đối với trầm tích.
    Xét theo các kịch bản tác động tổng hợp, dòng chảy sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai, sự thay đổi của phù sa tỷ lệ thuận với sự thay đổi của dòng chảy, dưới tác động tổng hợp này, lượng dòng chảy và lượng trầm tích hàng năm tăng lần lượt là 41% và 45% so với giai đoạn hiện tại.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Bên cạnh đánh giá tác động đến nước mặt, cần phải xem xét đến sự thay đổi của nước ngầm, về trữ lượng và chất lượng nước ngầm.
    Khắc phục hạn chế về chất lượng dữ liệu quan trắc có thể giúp nâng cao hiệu quả mô phỏng và tính toán của mô hình trong luận án này.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên