Tin tức - Sự kiện

Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với sách điện tử - NCS. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền

  • 09/04/2025
  • Tên luận án: Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với sách điện tử
    Chuyên ngành: Luật Kinh tế                                 
    Mã số: 9 38 01 07
    Họ tên NCS: Nguyễn Thị Ngọc Tuyền                       
    Mã số NCS: N19710024
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện    
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án
    Bảo hộ quyền tác giả đối với sách điện tử là yếu tố quan trọng giúp các chủ thể quyền tin tưởng tiếp tục sáng tạo tác phẩm và thúc đẩy sử dụng sách điện tử thông qua các nền tảng số. Về khía cạnh bản quyền, sách điện tử phải được xác định rõ hình thức tồn tại trong môi trường số là tác phẩm được bảo hộ; Các chủ thể đặc biệt xuất hiện đặc thù như nhà xuất bản và tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, nền tảng số; Các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với sách điện tử dễ dàng hơn nếu không có biện pháp phòng ngừa và xử lý phù hợp; Xây dựng cơ chế kiểm soát và ngăn chặn các hành vi xâm phạm, đặc biệt đối với biện pháp công nghệ hữu hiệu. Giải quyết được các vấn đề pháp lý về bản quyền, bên cạnh áp dụng khả thi biện pháp công nghệ hiện đại, sách điện tử sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và thuận lợi hơn.
    Trong môi trường công nghệ số, sách điện tử được hình thành, khai thác và sử dụng mạnh mẽ. Chính vì vậy, khái niệm về sách điện tử không chỉ dừng lại cách hiểu là sách in chuyển sang số hóa mà là sách có thể hình thành từ kỹ thuật số ban đầu. Sách điện tử có thể chứa đựng các loại hình tác phẩm khác nhau như văn học, âm nhạc hay cả hình ảnh.  Pháp luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh về các nhóm chủ thể quyền như tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm. Nhưng với việc khai thác và bảo vệ sách điện tử còn xuất hiện các chủ thể đặc biệt tham gia vào quá trình biên tập, lưu trữ, phân phối sách điện tử đến tay người tiêu dùng, đó là nhà xuất bản, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong môi trường mạng cần được điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh sự xuất hiện của nền tảng số cùng với hoạt động xuất bản, điều này cũng cần được điều chỉnh pháp lý cụ thể trong cơ chế bảo vệ bản quyền sách điện tử. Với nghiên cứu về vai trò của nhà xuất bản và các ISP trong việc khai thác và phân phối sách điện tử có ý nghĩa là rất lớn. Điều này đã được thể hiện cả về lý luận, quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng khai thác và sử dụng sách điện tử trong môi trường mạng. Từ đó cần nhìn nhận đến vấn đề trong mối quan hệ pháp lý tương quan về sở hữu trí tuệ về khía cạnh xuất bản và các nền tảng số. Mỗi quốc gia có sự lựa chọn riêng trong việc sử dụng cơ chế pháp lý để áp dụng hiệu quả nhưng sẽ có điểm chung để vừa khai thác lợi ích kinh tế mà sách điện tử mang lại vừa có thể bảo vệ lợi ích của tác giả, người dùng. Các quy định có liên quan cần phải được đặt trong một văn bản chuyên biệt về bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số, đồng thời, cần phải phân định rõ ràng trách nhiệm của từng loại nhà cung cấp dịch vụ trung gian, mối quan hệ ba bên giữa nhà cung cấp dịch vụ trung gian - người dùng - chủ sở hữu quyền.
    Các quyền đặc trưng của quyền tác giả đối với sách điện tử như quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, quyền sao chép và phân phối, là những quyền rất dễ bị xâm phạm trong môi trường kỹ thuật số hiện nay, đặc biệt kết hợp với sự phát triển mạnh mẽ của Internet. Do đó, cần thiết xem xét việc thiết lập và điều chỉnh pháp lý đối với các hành vi xâm phạm đến các quyền này đối với sách điện tử. Các quyền đặc trưng đối với sách điện tử cần được điều chỉnh pháp lý phù hợp hơn.
    Để đảm bảo môi trường khai thác và sử dụng hiệu quả đối với sách điện tử cần có sự kết hợp điều chỉnh các quy định pháp luật và biện pháp công nghệ hữu hiệu trong việc bảo vệ tốt đối với bản quyền sách điện tử cũng như quyền lợi các chủ thể khai thác về góc độ kinh tế. Vận dụng các biện pháp công nghệ hiện đại và kết hợp với việc kiểm soát quyền truy cập, sao chép hiệu quả từ các quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ. Luận án đề cập đến hướng hoàn thiện pháp luật đối với biện pháp công nghệ hữu hiệu nhằm đáp ứng theo kịp xu hướng thời đại, vừa hài hòa với Điều ước quốc tế cũng như học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia phát triển: (i) Hướng dẫn tiêu chí cụ thể xác định biện pháp công nghệ hữu hiệu; (ii) Cần điều chỉnh nền tảng số hiện nay theo hướng trao quyền kiểm soát biện pháp công nghệ hữu hiệu cho chủ thể quyền đặc biệt là nhà xuất bản và tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian; (iii) Xây dựng quy trình yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm nhanh hơn và chủ thể quyền có thể yêu cầu đối với tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian; (iv) Xây dựng quy trình kiểm soát quyền truy cập và sao chép sách điện tử.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Luận án “Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với sách điện tử” đã phân tích và đề xuất bổ sung khái niệm về sách điện tử, các hình thức thể hiện của sách điện tử để từ đó hướng đến xây dựng pháp lý về bản quyền đối với sách điện tử sẽ phù hợp hơn; Nội dung Luận án phân tích các quyền tác giả đặc trưng về quyền được bảo vệ sự toàn vẹn sách điện tử, quyền sao chép và phân phối sách điện tử và đề xuất kiến nghị phù hợp. Công trình cũng chỉ ra nhóm chủ thể giữ vai trò đặc biệt như nhà xuất bản, các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong môi trường mạng (ISP) cần xác định trách nhiệm pháp lý trong quá trình lưu thông sách điện tử; Luận án định hướng hoàn thiện pháp lý về biện pháp công nghệ hữu hiệu trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với sách điện tử. Cụ thể đó là quy trình kiểm soát biện pháp công nghệ hữu hiệu, trong đó, cần xây dựng cơ quan kiểm soát chuyên biệt cho hoạt động phát hiện và xử lý hành vi xâm phạm đối với bản quyền sách điện tử.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Luận án “Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với sách điện tử” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn như sau:
    Về lý luận, kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học vững chắc nhằm làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về sách điện tử, đồng thời đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền tác giả đối với sách điện tử trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển.
    Về thực tiễn, kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đồng thời cung cấp định hướng để xây dựng các quy định pháp lý hoàn thiện về bảo hộ quyền tác giả đối với sách điện tử. Qua đó, với kết quả nghiên cứu này sẽ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch trên nền tảng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường đối với sách điện tử.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên