Times Higher Education (THE) ra đời vào năm 2004, là tạp chí về tin tức và các vấn đề giáo dục bậc cao, có trụ sở tại London, Vương quốc Anh. THE World University Rankings là bảng xếp hạng có uy tín, được sinh viên, nhà khoa học, lãnh đạo trường đại học, doanh nghiệp và các chính phủ tin cậy.
THE sử dụng 13 chỉ số đã được hiệu chuẩn nhằm cung cấp sự so sánh toàn diện và cân bằng. Các chỉ số được chia thành năm nhóm: giảng dạy (môi trường học tập), nghiên cứu (số lượng, thu nhập và danh tiếng), trích dẫn khoa học (ảnh hưởng của nghiên cứu), triển vọng quốc tế (giảng viên, sinh viên và nghiên cứu), thu nhập nhờ chuyển giao tri thức.
Năm 2009, THE ngừng hợp tác với QS (tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds - Anh), ký thỏa thuận với Thomson Reuters - đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu để xếp hạng. Các trường bị loại khỏi bảng xếp hạng thế giới của THE nếu không đào tạo bậc cử nhân, hoặc nếu kết quả nghiên cứu ít hơn 1.000 bài báo trong giai đoạn 2012-2016 (yêu cầu tối thiểu 150 bài mỗi năm). Trường hợp 80% hoạt động không thuộc 11 lĩnh vực do THE quy định, trường cũng không được xếp loại.
THE xếp hạng các trường đại học theo 5 nhóm tiêu chí, gồm: Giảng dạy (chiếm 30% tổng điểm), Nghiên cứu (30%), Trích dẫn khoa học (30%), Triển vọng quốc tế (7,5%), Thu nhập nhờ chuyển giao tri thức (2,5%).
Tiêu chí giảng dạy chiếm 30% với các chỉ số như danh tiếng (15%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (4,5%), tỷ lệ tiến sĩ/cử nhân (2,25%), tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên (6%), thu nhập (2,25%).
Tiêu chí nghiên cứu chiếm trọng số 30%. Cụ thể, danh tiếng chiếm 18%, thu nhập từ nghiên cứu chiếm 6%, năng suất nghiên cứu chiếm 6%.
Chỉ số cao nhất là danh tiếng cũng được đánh giá dựa trên cuộc khảo sát hằng năm. Thu nhập từ nghiên cứu được điều chỉnh theo số nhân viên của khoa, là chỉ số gây tranh cãi vì có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách quốc gia và hoàn cảnh kinh tế. Tuy nhiên, THE cho rằng thu nhập rất quan trọng đối với sự phát triển của các nghiên cứu tầm cỡ thế giới.
Để đo lường năng suất, THE tính số lượng bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí, lấy từ cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier, được chuẩn hóa cho từng lĩnh vực và cân bằng với quy mô của cơ sở giáo dục.
Với trọng số 30% dành cho trích dẫn khoa học, THE xem xét vai trò của đại học trong việc truyền bá tri thức và ý tưởng mới. Mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu được kiểm tra bằng cách thu thập số lần tác phẩm của một đại học được trích dẫn bởi học giả toàn cầu. Năm nay, Elsevier kiểm tra gần 62 triệu trích dẫn cho hơn 12,4 triệu bài báo, báo cáo hội nghị, sách được xuất bản trong năm năm.
Các trích dẫn giúp mọi người biết được mỗi trường đại học đóng góp bao nhiêu cho tổng thể tri thức nhân loại. Dữ liệu được chuẩn hóa để phản ánh sự chênh lệch số lượng trích dẫn giữa các vùng đối tượng, giảm thiểu sự bất công.
Tiêu chí triển vọng quốc tế chiếm trọng số 7,5%, bao gồm tỷ lệ sinh viên quốc tế/sinh viên trong nước (2,5%), tỷ lệ giảng viên quốc tế/giảng viên trong nước (2,5%), hợp tác quốc tế (2,5%). Khả năng thu hút được sinh viên đại học, sau đại học và giảng viên từ khắp nơi trên thế giới là chìa khóa dẫn đến thành công của trường trong việc củng cố vị thế quốc tế.
Tiêu chí thu nhập từ chuyển giao tri thức chiếm 2,5%. Đây được xem là nhiệm vụ cốt lõi của một cơ sở giáo dục toàn cầu đương đại. Ở tiêu chí này, THE xem xét mức độ doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho nghiên cứu và khả năng của các trường đại học khi thu hút đầu tư trong thị trường thương mại.
Ngoài bảng xếp hạng đại học thế giới, THE còn cung cấp bảng xếp hạng theo khu vực, theo từng quốc gia, bảng xếp hạng đại học trẻ.
Để có cơ sở dữ liệu khách quan cho việc đánh giá, THE đã phân tích 77,4 triệu lượt trích dẫn đối với 12,8 triệu bài báo được xuất bản trong vòng 5 năm từ nhà cung cấp dữ liệu Elsevier và khảo sát danh tiếng học thuật thường niên từ Academic Reputation Survey nhằm cung cấp những so sánh toàn diện và cân bằng nhất về chất lượng của các trường đại học trên thế giới.
PHAN ANH
Hãy là người bình luận đầu tiên