Khoa học - Công nghệ

Tính an toàn của vắc-xin COVID-19 trên phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ

  • 23/08/2021
  • Trần Nguyễn Bảo Vy, học viên cao học
    Nhóm nghiên cứu Vi sinh y học, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG-HCM.
    ---------

    Phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ có nên tiêm vắc-xin COVID-19 hay không? Đó là một trong những câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn khi tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Mặc dù tỷ lệ bệnh diễn biến nặng ở những người nhiễm COVID-19 tương đối thấp, nhưng thai phụ có khả năng biểu hiện bệnh nặng hơn những người không mang thai. Các triệu chứng bệnh nặng phải cần tới sự chăm sóc đặc biệt tại các cơ sở y tế, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Ngoài ra, thai phụ nhiễm COVID-19 có nguy cơ sinh non cao và gặp nhiều vấn đề sức khỏe thai kỳ hơn thai phụ không nhiễm COVID-19. Chính vì thế, phụ nữ mang thai nên được bảo vệ trước vi-rút SARS-CoV-2 bằng việc tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 [1]. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ vẫn đang được cân nhắc, thận trọng. Tại một số quốc gia như Anh và Mỹ, thai phụ có thể tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 nếu lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của người mẹ [1]. Tương tự, tại Việt Nam, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và đang cho con bú đã được cho phép tiêm vắc-xin COVID-19 [2].

    Hầu hết các thử nghiệm vắc-xin lâm sàng đều loại đối tượng thai phụ và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ ra khỏi danh sách thử nghiệm và các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm phải cam kết không mang thai trong suốt quá trình nghiên cứu. Chính vì thế các dữ liệu về phản ứng của vắc-xin trên cơ thể thai phụ và trong sữa mẹ rất hạn chế. Tuy nhiên, những trường hợp mang thai ngoài ý muốn khi đang tham gia thử nghiệm vẫn xảy ra. Cụ thể có 57 trường hợp mang thai xảy ra sau khi tham gia thử nghiệm lâm sàng của ba loại vắc-xin Pfizer/BioNTech (Mỹ), Moderna (Mỹ), và AstraZeneca (Anh) [3]. Những trường hợp này đều được tiếp tục theo dõi trong suốt và sau thai kỳ. Nghiên cứu đã chỉ ra không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ có thai ngoài ý muốn giữa nhóm tình nguyện viên được tiêm vắc-xin và tiêm giả dược, bước đầu chứng tỏ vắc-xin không gây vô sinh như một số lời đồn đại. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra tiêm ngừa COVID-19 không gây nguy hiểm vào đầu thai kỳ dựa vào kết quả so sánh tỷ lệ sẩy thai ở hai nhóm tình nguyện viên trên. 

    Tuy dữ liệu thu thập được vẫn rất hạn chế, không thể xác định rõ tính an toàn của vắc-xin trong thai kỳ, đây vẫn được xem là tin đáng mừng. Do đó, vào cuối năm 2020, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nước Anh, Liên minh châu Âu, và Mỹ đã khuyến khích thai phụ nên tiêm chủng vắc-xin COVID-19 nếu lợi ích sức khỏe mang lại lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn. Tại Mỹ, tính tới tháng 2/2021, đã có khoảng 20.000 thai phụ được tiêm vắc-xin COVID-19 thế hệ mới mRNA [3]. 

    Vào tháng 4/2021, nhóm nghiên cứu của Tom T. Shimabukuro đã phân tích các dữ liệu thu được từ 3.958 thai phụ đã tiêm vắc-xin COVID-19 tại Mỹ qua hệ thống giám sát sau tiêm “v-safe” để đưa ra những kết luận ban đầu về tính an toàn của vắc-xin mRNA ngừa COVID-19 trên phụ nữ mang thai [4]. Cụ thể hai loại vắc-xin mRNA trong nghiên cứu là Pfizer/BioNTech và Moderna. Hầu hết các phụ nữ mang thai đều gặp tình trạng đau nhức tại chỗ tiêm, tuy nhiên, các triệu chứng nhẹ như đau đầu, đau cơ, ớn lạnh và sốt xảy ra ít hơn những phụ nữ không mang thai. Ngoài ra, thai phụ sau khi tiêm vắc-xin gặp các triệu chứng nặng tương đối ít hơn so với những phụ nữ không mang thai, ngoại trừ triệu chứng buồn nôn và nôn mửa xuất hiện thường xuyên hơn sau mũi tiêm chủng thứ 2. Ở những thai phụ đã hoàn thành thai kỳ, có 86.1% trường hợp sinh con an toàn và 13.9% sẩy thai. Các ảnh hưởng lên trẻ sơ sinh thường gặp là sinh non (9.4%), kích thước thai nhi bé (3.2%) và không có trường hợp tử vong ở trẻ được ghi nhận. Tuy không thể trực tiếp so sánh, nhưng các số liệu này khá tương đồng với các kết quả nghiên cứu về thai phụ và thai nhi đã được công bố trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Cụ thể, nghiên cứu trên phụ nữ mang thai được công bố trước đại dịch cho thấy tỷ lệ sẩy thai chiếm khoảng 10-26%, tỷ lệ sinh non là 8-15% và kích thước thai nhi nhỏ là 3.5% [4]. Điều này cho thấy vắc-xin COVID-19 bước đầu không gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên thai kỳ. Và để khẳng định sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin COVID-19 lên phụ nữ mang thai, nhiều nghiên cứu vẫn đang được thực hiện với cơ sở dữ liệu lớn và chi tiết hơn. 

    Tương tự như phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng là đối tượng có nhiều băn khoăn khi tiêm vắc-xin COVID-19. Vào tháng 4/2021 tại Israel, Sivan Haia Perl và nhóm nghiên cứu của mình đã công bố phát hiện kháng thể chống lại vi-rút SARS-CoV-2 trong sữa mẹ của người đã được tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech [5]. Sau 5 đến 6 tuần tiêm chủng, 91.7% các mẫu sữa mẹ đều phát hiện kháng thể. Không có ghi nhận về phản ứng miễn dịch nặng ở cả người mẹ và trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ trong suốt nghiên cứu. Những phản ứng miễn dịch nhẹ xuất hiện ở người mẹ nhiều hơn sau mũi tiêm thứ 2. Một số ít trẻ xuất hiện triệu chứng sốt sau 7, 12, 15, và 20 ngày từ lúc người mẹ được tiêm phòng. Đáng chú ý là những kháng thể trong sữa mẹ này có tác dụng trung hòa SARS-CoV-2 hiệu quả, điều này cho thấy chúng có tiềm năng bảo vệ trẻ sơ sinh trước vi-rút SARS-CoV-2. Một nghiên cứu khác của nhóm các nhà khoa học Mỹ công bố vào tháng 6/2021 cho thấy mRNA từ vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna không được tìm thấy trong sữa mẹ của 7 tình nguyện viên đã tiêm ngừa COVID-19 [6]. Tuy là nghiên cứu với quy mô nhỏ nhưng đã củng cố thêm rằng vắc-xin mRNA không truyền sang trẻ sơ sinh thông qua sữa của người mẹ đã tiêm chủng. Nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để thu thập thêm thông tin về vắc-xin COVID-19 như sự an toàn của vắc-xin ở người đang cho con bú, ảnh hưởng của vắc-xin lên trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ và tác động của vắc-xin lên quá trình tạo và tiết sữa ở người mẹ; nhưng hiện vẫn chưa có báo cáo nào ghi nhận sự quan ngại về sữa từ người đã tiêm chủng. Do đó, việc ngừng cho con bú sữa mẹ sau tiêm vắc-xin COVID-19 là không cần thiết.

    Mới đây vào tháng 6/2021, một nghiên cứu lớn mang tên MOMI-VAX đã được tiến hành dưới sự tài trợ từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) của Mỹ [7]. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học sẽ đánh giá chi tiết những tác động tiềm ẩn của vắc-xin COVID-19 lên phản ứng miễn dịch của người mẹ và sự truyền kháng thể qua thai nhi thông qua nhau thai. Ngoài ra, các mẫu sữa mẹ từ những người tham gia sẽ được phân tích định kỳ sau khi thai kỳ kết thúc, để đánh giá hiệu quả ngừa vi-rút SARS-CoV-2 của các kháng thể trong sữa.

    Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đầu tháng 7/2021, Ấn Độ đã phê duyệt tiêm chủng vắc-xin ngừa vi-rút SARS-CoV-2 cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú sau một thời gian dài trì hoãn [8]. Vì hầu hết các nghiên cứu về độ an toàn của vắc-xin trên đối tượng này chỉ mới được thực hiện với các vắc-xin theo công nghệ mRNA, là những vắc-xin không có sẵn tại quốc gia này. Với việc cho phép thai phụ tiêm chủng các loại vắc-xin COVID-19 sản xuất theo công nghệ khác như AstraZeneca (Anh) và Covaxin (Ấn Độ) sẽ cung cấp thêm nhiều dữ liệu quý giá về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin COVID-19 trong tương lai. 

    Tương tự, tại Việt Nam vào ngày 10/8/2021, Bộ Y tế đã cho phép phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và đang nuôi con bằng sữa mẹ được tiêm các loại vắc-xin COVID-19 mà nhà nước đã phê duyệt, ngoại trừ vắc-xin Sputnik V (Nga). Thai phụ khi tiêm vắc-xin phải được khám sàng lọc kỹ, giải thích rõ lợi ích, nguy cơ khi tiêm và chỉ tiêm khi các lợi ích từ việc tiêm vắc-xin mang lại lớn hơn các nguy cơ tiềm ẩn. Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ vẫn cho con bú sau tiêm như bình thường. [2],[9] 

    Đến nay, việc tiêm chủng vẫn là cách hiệu quả nhất giúp chúng ta đánh bại đại dịch COVID-19. Do đó, việc mở rộng tiêm chủng đối với nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai và cho con bú là cần thiết. Nhìn chung, các vắc-xin COVID-19 hiện nay tương đối an toàn cho nhóm đối tượng này nên nhiều quốc gia tiếp tục xem xét tiêm chủng. Vì vậy tại Việt Nam, phụ nữ đang mang thai từ tuần thứ 13 trở lên và đang nuôi con bằng sữa mẹ nên tiêm chủng ngay khi có thể, nhất là lúc làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đang diễn biến hết sức phức tạp.

     

    Tài liệu tham khảo

    [1] CDC, “Vaccination Considerations for People Pregnant or Breastfeeding.” https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations/pregnancy.html

    [2] HCDC, “Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và đang cho con bú có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19.” https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tin-tuc-moi-nhat/phu-nu-mang-thai-tu-13-tuan-tro-len-va-dang-cho-con-bu-co-the-tiem-vac-xin-phong-covid19-701ad0d29c49a72adc434e1b6ba119d1.html

    [3] Victoria Male,“Are COVID-19 Vaccines Safe in Pregnancy?” https://www.nature.com/articles/s41577-021-00525-y

    [4] Shimabukuro et al., “Preliminary Findings of MRNA Covid-19 Vaccine Safety in Pregnant Persons.” https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2104983

    [5] Perl et al., “SARS-CoV-2–Specific Antibodies in Breast Milk After COVID-19 Vaccination of Breastfeeding Women.” https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2778766

    [6] Golan et al.,“Evaluation of Messenger RNA From COVID-19 BTN162b2 and MRNA-1273 Vaccines in Human Milk.” https://jamanetwork.com/journals/jamapediatrics/fullarticle/2781679

    [7] NIH, “NIH Begins Study of COVID-19 Vaccination during Pregnancy and Postpartum.” https://www.nih.gov/news-events/news-releases/nih-begins-study-covid-19-vaccination-during-pregnancy-postpartum

    [8] TheHindu, “Pregnant Women in India Now Eligible for COVID-19 Vaccination.” https://www.thehindu.com/sci-tech/health/pregnant-women-in-india-now-eligible-for-covid-19-vaccination/article35101824.ece

    [9] VNVC, “Chuyên Gia Lưu ý về Tiêm Vắc Xin Covid-19 Cho Phụ Nữ Mang Thai & Đang Cho Con Bú.” https://vnvc.vn/tiem-vac-xin-covid-19-cho-phu-nu-mang-thai-dang-cho-con-bu/

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên