Khoa học công nghệ

Trạm xe buýt xanh

  • 12/08/2018
  • “Green Bus Stop” (Trạm xe buýt xanh) là dự án xây dựng một trạm xe buýt tại Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM (Đường A1, Khu đô thị ĐHQG-HCM) để giúp tiết kiệm năng lượng (nước, điện), sử dụng vật liệu tái chế được thiết kế bền vững và thân thiện với môi trường. 

    Ba sinh viên nhận giải thưởng tại cuộc thi INSEE Prize 2018. Ảnh: Nhóm cung cấp

    Dự án này của ba sinh viên ngành Kiến trúc Trường ĐH Bách Khoa vừa giành giải Nhì cuộc thi Xây dựng bền vững INSEE Prize 2018 được tổ chức vào ngày 14/6. 


    Ý tưởng từ những lần đi xe buýt

    Mỗi ngày đều đi học bằng xe buýt qua con đường A1, Khu Đô thị ĐHQG-HCM, ba sinh viên Nguyễn Đức Điền, Doãn Công Giang, Cao  Đình Thi nhận thấy nơi đây đang thiếu trạm chờ xe buýt che nắng mưa. Chính điều này đã thôi thúc nhóm “làm một cái gì đó đúng với chuyên ngành kiến trúc mà mình đang theo học”. Và ý tưởng về trạm xe buýt xanh ra đời.

    “Theo thống kê của nhóm, mỗi ngày ở đoạn đường A1 có khoảng 3.000 lượt sinh viên đi xe buýt. Ở đây có trạm chờ nhưng không có mái che, vì thế nhóm đã nảy ra ý tưởng xây dựng dự án trạm xe buýt xanh. Điểm khác biệt trong dự án này so với các trạm chờ xe buýt thông thường ở chỗ không gian mát mẻ, có nơi đựng rác và thu gom rác để tái chế cũng như có hệ thống cung cấp nước uống cho sinh viên” - Bạn Nguyễn Đức Điền chia sẻ.

    Khi quyết định đưa dự án tham gia cuộc thi INSEE Prize, nhóm phải mất tới 10 ngày cho việc hoàn thiện ý tưởng. Theo yêu cầu của Ban tổ chức cuộc thi, mỗi dự án phải đáp ứng được 4 tiêu chí: Đóng góp xã hội, thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế và ứng dụng thực tế. Vì thế thời gian triển khai dự án Trạm xe buýt xanh của nhóm kéo dài ròng rã suốt 3 tháng. Chưa kể đến khoảng thời gian nhóm thay đổi một số hạng mục cho phù hợp với thực tế.

    Bạn Doãn Công Giang tâm sự: “Có một ý tưởng tốt, giàu tính nhân văn thôi chưa đủ. Mà khi trình bày phải cho Ban tổ chức biết rằng dự án này đảm bảo tính hình thức cũng như ứng dụng được các yếu tố phát triển bền vững. Nhưng điều khó khăn nhất với nhóm nằm ở mức đầu tư gần 200 triệu đồng cho một dự án thực tế. Vì thế ba thành viên phải tính toán rất kỹ lưỡng”.

    Sáng tạo và có tính khả thi cao

    Phân tích về dự án Trạm xe buýt xanh, Đức Điền cho biết các kỹ thuật ứng dụng trong dự án này đều được tính toán kỹ càng để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. “Dự án sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt vừa tiết kiệm 60% nước so với tưới thủ công, vừa tận dụng áp lực nước của thủy đài giúp tiết kiệm 300W/ngày so với tưới tự động. Về năng lượng sẽ sử dụng đèn LED tiết kiệm 30% lượng điện tiêu thụ so với đèn neon thông thường. Trạm sẽ sử dụng một số vật liệu thân thiện môi trường, như gạch không nung hay pallet tái chế có rất nhiều ở TP.HCM để làm thùng rác. Bên cạnh đó, đúng như tên gọi, dự án sẽ tăng diện tích cây xanh để tạo không gian thoáng mát, tăng độ ẩm không khí, lọc bụi, giảm bức xạ nhiệt, tạo cảm giác thân thiện. Và cuối cùng là cung cấp tiện tích nước uống miễn phí từ máy lọc lấy nước của hệ thống cấp nước ĐHQG-HCM” - Đức Điền phân tích.
     
    Hình ảnh hạng mục thiết kế đề án Trạm xe buýt xanh. Ảnh: Nhóm cung cấp

    Đình Thi chia sẻ thêm, ở giai đoạn hoàn thiện, lúc đầu nhóm có các hạng mục sử dụng pin năng lượng mặt trời, hầm thu nước mưa. Tuy nhiên sau đó phải cắt bỏ để phù hợp với mức tài trợ và đầu tư. Ngoài những nét độc đáo trong xây dựng, Trạm xe buýt xanh còn giúp phát triển nhận thức của giới trẻ, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng, đáp ứng tốt 5 tiêu chí của cuộc thi: môi trường, sáng tạo, khả thi, cộng đồng, thẩm mỹ.


    Theo TS.KTS Lê Thị Hồng Na (Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM), đây là một dự án thiết kế có tính khả thi cao. Bà phân tích: “Ngay từ giai đoạn đầu tham gia, nhóm đã bám sát những tiêu chí của cuộc thi để lựa chọn vị trí, đề xuất giải pháp thiết kế và thi công. Công trình được chọn có quy mô nhỏ với địa điểm xây dựng rõ ràng và chi phí đầu tư hợp lý. Bên cạnh đó, dự án này cũng áp dụng tốt các nguyên tắc thiết kế kiến trúc, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương qua việc lựa chọn hình khối, giải pháp che nắng hiệu quả, đảm bảo thông thoáng tự nhiên... Và điều đặc biệt là nhóm đã đưa ra phương án thiết kế bền vững như lựa chọn vật liệu thân thiện môi trường, hệ thống phân loại rác, thu gom và tái sử dụng nước mưa, sử dụng cây xanh để che nắng và cải tạo vi khí hậu... Trạm xe buýt xanh là một ví dụ về giải pháp kiến trúc bền vững, góp phần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng và thay đổi nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường”. 

    Sinh viên ĐHQG-HCM giành “cú đúp” giải thưởng

        Bên cạnh giải Nhì của dự án Trạm xe buýt xanh, dự án Khu sinh hoạt cộng đồng, học thuật dành cho sinh viên của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM và Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng đã đạt giải Khuyến khích tại INSEE Prize 2018.
     
        Ông Nguyễn Công Minh Bảo - Giám đốc bền vững và truyền thông của Công ty INSEE Việt Nam, cho biết năm nay đề tài của sinh viên có sự tiến bộ rõ rệt về ý tưởng và chất lượng cũng như tính ứng dụng cao, đồng thời sinh viên cũng đã hiểu rõ hơn về xây dựng bền vững - xu hướng của ngành xây dựng ngày nay.

        INSEE Prize 2018 (tiền thân là giải thưởng Holcim Prize) là cuộc thi hướng đến chủ đề “Xây dựng bền vững” với tổng giá trị giải thưởng lên đến 370 triệu đồng. Cuộc thi đề cao các tiêu chí đóng góp cho xã hội, hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường và tính ứng dụng. Năm nay, cuộc thi nhận được 256 bài dự thi từ 20 trường ĐH, CĐ trên cả nước. 

    ĐỨC LỘC

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên