Tin tức - Sự kiện

Đạo làm người của nguyễn đình chiểu - giá trị và bài học lịch sử - NCS. Nguyễn Thanh Thùy Trang

  • 26/09/2024
  • Tên đề tài: Đạo làm người của nguyễn đình chiểu - giá trị và bài học lịch sử
    Chuyên ngành: Triết học
    Mã số: 9.22.90.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thanh Thùy Trang    
    Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Trịnh Doãn Chính
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học XH & NV- ĐHQG. Hồ Chí Minh.
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Vấn đề đạo làm người mang dấu ấn sâu sắc từ truyền thống văn hóa, đời sống đạo đức của dân tộc và đã ảnh hưởng sâu rộng đến quan niệm, tư tưởng, thái độ sống và triết lý sống của nhân dân Việt Nam trong mọi thời đại. Đạo làm người là cách thức sống, đường lối làm người, là nguyên tắc mà mỗi con người phải giữ gìn và tuân theo trong đời sống. Nó thể hiện tình cảm, lý tưởng, trí tuệ, nhân cách, hành động sống của con người con người và trở thành tiêu chí để đánh giá bản chất, giá trị con người. Nguyễn Đình Chiểu đã khái quát hóa và phổ biến những những hệ giá trị, quan niệm hết sức tiến bộ như: yêu nước, thương dân, yêu thương con người, nhân nghĩa, trung - hiếu, tiết - hạnh,… Đó là kết quả từ sự kế thừa từ đạo lý truyền thống dân tộc và ông từ lối sống của người phương Nam. Mặt khác, đạo làm người của ông cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng, triết lý nhân sinh của Tam giáo.
    Quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu không những chịu tác động, phản ánh sâu sắc hoàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX mà nó còn là kết quả từ sự kế thừa, tiếp thu một cách có chọn lọc văn hóa truyền thống từ gia đình, quê hương và dân tộc. Trên cơ sở điều kiện xã hội, tiền đề lý luận và nhân tố chủ quan của Nguyễn Đình Chiểu đã hình thành nên quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu, một trong những nội dung chủ yếu trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Có thể khái quát nội dung chủ yếu trong quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu thành những nội dung cơ bản như sau: lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc sâu sắc; trung - hiếu, tiết - nghĩa; thái độ sống yêu - ghét phân minh, xuất xử phải thời; lập đức, hành thiện và làm người có ích cho đời. Sở dĩ, Nguyễn Đình Chiểu luôn đề cao những quan niệm về đạo làm người như vậy vì: một mặt, những quan niệm ấy mang tính chuẩn mực của đạo đức truyền thống của Việt Nam nhưng mặt khác, ông còn mong muốn thực hiện hoài bão lớn lao khi gắng làm sâu sắc cho một quan niệm sống mang đậm chất vị nhân sinh của dân tộc, đáp ứng yêu cầu của đặc điểm xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đặt ra. Quan niệm về đạo làm người đó đã phản ánh nhu cầu bức thiết, khát vọng chân chính, lý tưởng cao đẹp của con người trong hoàn cảnh cần giải phóng cho nhân dân và dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ, bóc lột của thực dân Pháp. Tất cả đều xuất phát dựa trên tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn của nhà tư tưởng.
    Từ những nội dung trên, quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu nổi bật lên những đặc điểm chủ yếu như sau: tính bình dị, tính thực tiễn, tính nhân văn.
    Với những nội dung và đặc điểm đó, quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn đạo lý làm người của dân tộc; mang ý nghĩa tích cực đối với sự nghiệp giáo dục, hoàn thiện đạo đức trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX và có tác dụng nâng cao ý thức, tu dưỡng đạo lý làm người cho con người trong xã hội hiện nay; cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào yêu nước, kháng chiến chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Từ sự trình bày, làm rõ những nội dung cơ bản trong quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu, luận án góp phần làm sáng tỏ một cách hệ thống những đặc điểm chủ yếu và ý nghĩa lịch sử trong quan niệm về đạo làm người của ông. Luận án đã đánh giá những giá trị, hạn chế và bài học lịch sử trong quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, rèn luyện, phát triển toàn diện con người Việt Nam hiện nay.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Luận án góp phần làm rõ nội dung, đặc điểm, giá trị, hạn chế và bài học lịch sử trong quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu trên các phương diện: lòng yêu nước, thương dân và căm thù giặc sâu sắc; đức trung - hiếu; tinh thần tiết - nghĩa; thái độ sống yêu - ghét phân minh, xuất xử phải thời; quan niệm sống lập dức, hành thiện và làm người có ích cho đời của ông một cách cơ bản và có hệ thống. Những đánh giá về giá trị, hạn chế và bài học lịch sử trong quan niệm về đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu sẽ góp phần thiết thực trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển con người Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, luận án cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo hỗ trợ trong công tác giảng dạy, học tập, nghiện cứu môn lịch sử tư tưởng Việt Nam, lý luận phê bình văn học.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên